Tài chính - Thị trường

Khoảng trống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

NGUYỄN QUANG 08/11/2024 14:45

Nhận thức pháp luật hạn chế là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ đúng mức.

tt3.jpg
Người tiêu dùng mua thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Cả người bán và mua hàng không nắm quy định

Nhiều trường hợp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lúng túng không biết địa chỉ để khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm. Chị Nguyễn Hoàng Hoa (khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, mới đây chị mua một chai rượu ngoại từ cửa hàng tại Tam Kỳ để đãi khách. Đáng tiếc là chị mua phải rượu kém chất lượng nhưng không biết phải giải quyết từ đâu, ngay cả khi phản ánh với cửa hàng.

Khi được hỏi về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều người không nắm bắt được quy định liên quan. Chị Trần Hoài Hương - nhân viên văn phòng của một công ty kinh doanh trên địa bàn TP.Tam Kỳ cho hay, hầu như không biết nhiều về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chị cũng gặp một số trường hợp mua trúng hàng giả, kém chất lượng trên mạng nhưng không biết phản ánh ra sao.

Thói quen mua sắm trực tiếp của đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hiện nay là xem hàng, thanh toán tiền rồi nhận hàng mà hiếm khi quan tâm đến việc lấy hóa đơn hay yêu cầu viết giấy bảo hành. Khi mua phải hàng không đảm bảo chất lượng hay hàng hóa bị trục trặc, hàng giả mạo thì không được bảo vệ.

Chủ yếu người dân chỉ phản ánh, thương lượng với các cơ sở bán hàng, còn việc cửa hàng đó có cho đổi, trả hay sửa chữa, bảo hành không thì tùy thuộc vào uy tín, lương tâm, trách nhiệm của bên bán hàng. Người tiêu dùng không có cơ sở để buộc bên bán phải thực hiện trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam, các thành viên của hội đều hoạt động kiêm nhiệm, thường dành hầu hết thời gian tập trung vào công tác chuyên môn tại đơn vị nên ít tham gia công tác chung.

Lẽ ra trong tháng 6 vừa qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam tổ chức đại hội để bầu ra ban chấp hành mới, quán xuyến công việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thiết thực hơn, thì vì nhiều lý do đã bị hoãn mà chưa có kế hoạch tổ chức.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam hiện nay là ông Nguyễn Hồng Vân - nguyên Giám đốc Sở Công Thương.

Ông Vân đã về hưu nhiều năm qua và đang sinh sống ở TP.Đà Nẵng. Một thành viên trong Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam nói, hội hầu như không có hoạt động nào trong thời gian qua.

Chung tay bảo vệ người tiêu dùng

Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, trong tháng 10, ngành chức năng đã tiến hành 62 đợt kiểm tra kinh doanh hàng hóa trên thị trường tỉnh. Số vụ chờ xử lý là 3 vụ; số vụ đã xử lý là 23 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách sau khi xử lý là 317 triệu đồng. Các hành vi sai phạm là kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm…

tt-1-.jpg
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam kiểm tra và tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Q.VIỆT

Theo ông Lương Viết Tịnh, trên thị trường hiện nay, những mặt hàng có khả năng sinh lời cao đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan và ngày càng đa dạng từ các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, thuốc lá đến các loại máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chức năng, giày dép, sản phẩm thời trang.

Thậm chí, ngay cả tem chống hàng giả là phương thức bảo vệ doanh nghiệp, hàng hóa và người tiêu dùng cũng bị làm giả. Cách thức để người tiêu dùng nhận diện được hàng giả, hàng thật tránh nhầm lẫn khi mua sắm cũng đã bị lẫn lộn hiện nay.

“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng hóa không đảm bảo chất lượng để ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Tịnh nói.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 55 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, căn cứ nghị định, Ban Quản lý chợ ban hành nội quy có các nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, người bán hàng; người có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng và biện pháp xử lý vi phạm. Hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và người bán hàng.

Duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa. Ban Quản lý chợ thường xuyên giám sát chất lượng, số lượng của hàng hóa; thiết lập, niêm yết công khai đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025. Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan nhà nước tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng trống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO