Khoảng trống bơi lội

ANH SẮC 11/10/2013 14:46

Trong lần đến thăm trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam vào cuối tháng 3.2013 nhân Ngày thể thao Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải gợi ý lãnh đạo ngành TDTT cần sớm nghiên cứu phát triển đào tạo môn bơi lội để vừa tạo động lực cho phong trào được rộng mở, vừa tìm kiếm tài năng phục vụ cho thể thao thành tích cao của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy nêu ra nhiều lý do, đại ý Quảng Nam là tỉnh hàng năm thường xuyên xảy ra lũ lụt mà không phát triển phong trào bơi lội thì là một khoảng trống trong chiến lược phát triển của ngành TDTT. Hơn nữa, nếu chỉ dừng lại ở mức độ phong trào mà không phát triển thành tích cao thì đó chỉ là thể dục chứ chưa phải thể thao.

Giải bơi lội học sinh toàn tỉnh do Sở GDĐT tổ chức.Ảnh: ANH SẮC
Giải bơi lội học sinh toàn tỉnh do Sở GDĐT tổ chức.Ảnh: ANH SẮC

Nghe gợi ý đó của Bí thư Tỉnh ủy, không chỉ riêng các nhà quản lý ngành TDTT mới giật mình. Bởi lâu nay, gần như chưa bao giờ bơi lội được quan tâm đúng mức. Hiện tại, môn thể thao thuộc chương trình thi đấu Olympic này chỉ xuất hiện ở các giải phong trào dành cho đối tượng học sinh phổ thông do ngành GDĐT tổ chức như Hội khỏe Phù Đổng 2 năm diễn ra một lần. Nhưng, so với các môn thể thao khác thì bơi lội vẫn chưa có sức hút lớn. Số lượng vận động viên, đơn vị tham gia khá khiêm tốn; sự chuẩn bị và công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế làm cho giải đấu kém hấp dẫn, ít người xem. Ngày hội thể thao lớn nhất của tỉnh là Đại hội TDTT toàn tỉnh từ trước đến nay cũng chưa bao giờ điền tên môn thể thao sông nước này vào chương trình thi đấu.

Nhưng nếu cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về những nhà hoạch định chính sách của ngành TDTT cũng chưa hẳn đúng. Muốn phát triển một bộ môn thể thao nào đó, nhất là môn bơi lội thì đòi hỏi về cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện, tổ chức thi đấu là rất lớn. Ngay từ khi mới tái lập tỉnh, trong quy hoạch phát triển ngành TDTT đã có dự án bể bơi tại khu trung tâm TDTT ở phường Hòa Hương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà lâu nay dự án này gần như đã không còn được nhắc tới nữa. Nhiều năm trước đây, bể bơi của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung là bể bơi duy nhất của tỉnh và chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho nhu cầu của thiếu nhi trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Gần đây, trên địa bàn Tam Kỳ còn có thêm 2 bể bơi nhỏ nữa của trường Đại học Quảng Nam và Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ. Điều này cho thấy điều kiện về cơ sở vật chất của môn bơi lội hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn và chỉ có thể đáp ứng nhu cầu “thể dục” chứ chưa phải là “thể  thao” như cách nói của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Như vậy không có nghĩa là bơi lội không có “đất” sống ở Quảng Nam. Sinh sống trong vùng thường xuyên bị lũ lụt, rất nhiều người dân đất Quảng tập bơi lội ngay từ nhỏ. Cộng với việc, môn thể thao này đã có nền tảng từ nhà  trường nên rõ ràng, điều kiện cần đã có. Điều kiện đủ để đưa bơi lội phát triển bây giờ là việc đầu tư cơ sở vật chất, tập trung tuyển chọn vận động viên, đào tạo kỹ năng bài bản và đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách TDTT phải suy nghĩ tìm hướng đi để tham mưu, đề xuất cho tỉnh. Có như vậy, bơi lội mới có điều kiện thuận lợi để phát triển cả về phong trào lẫn thành tích cao.

ANH SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng trống bơi lội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO