Khoảng trống du lịch về nguồn

VĨNH LỘC 16/10/2014 10:23

Du lịch về nguồn Quảng Nam được xem là sản phẩm hấp dẫn nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp lữ hành khai thác loại hình du lịch này.   

Đa dạng tiềm năng

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều điểm di tích dành cho du lịch về nguồn như Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ (Điện Bàn), Địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ), Khu di tích khu V (Hiệp Đức), đường mòn Hồ Chí Minh (Nam Giang), Khu di tích lịch sử các mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa (Bắc Trà My)… Ngoài một số điểm nhỏ lẻ, sản phẩm đơn giản hoặc cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện thì các điểm du lịch còn lại như  Khu ủy khu V hay Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế do được đầu tư hạ tầng, con người cùng cơ chế hoạt động riêng biệt nên rất thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Khách đến khu di tích Nước Oa chủ yếu theo nhóm tự phát hoặc công vụ . Ảnh: V.LỘC
Khách đến khu di tích Nước Oa chủ yếu theo nhóm tự phát hoặc công vụ . Ảnh: V.LỘC

Tại Di tích khu V (Sông Trà, Hiệp Đức), du khách không chỉ đến viếng hương, tìm hiểu lịch sử mà còn có thể tham quan cắm trại dã ngoại, khám phá những nét văn hóa làng nghề đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nông, Ca Dong bản địa như đan lát, mây tre, nấu rượu cần… Bên cạnh đó, Ban quản lý Di tích khu V cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như “Hành trình về nguồn”, “Một ngày làm chiến sĩ khu V”, du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch... bước đầu đã phát huy hiệu quả. Năm 2013, gần 100 đoàn khách trong và ngoài nước, chủ yếu là những cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, nhóm gia đình đã đến khu di tích, riêng 9 tháng đầu năm 2014 khoảng 60 đoàn đến đây, dù còn khiêm tốn nhưng bước đầu cũng đã tạo được sự khởi sắc cho điểm du lịch này.

Tuy nhiên, quy mô nhất phải kể đến Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa (Trà Tân, Bắc Trà My) với 9 khu di tích và nhà bia tưởng niệm của các ban, ngành trung ương như Ban An ninh, Ban Tổ chức, Ban Mặt trận, Ban Tài chính trung ương… được bố trí gần kề nhau trong một không gian hàng trăm héc ta cùng hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, thuận lợi cho các hoạt động du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa trải nghiệm… Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ năm 2013, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ - Nước Oa được thành lập đã tạo sự chuyển biến mới trong công tác quản lý, phát huy giá trị khu di tích và phục vụ du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ - Nước Oa, hầu như tuần nào cũng có khách từ các cơ quan trung ương hoặc sở, ban, ngành địa phương đến tham quan, du lịch. Riêng 9 tháng đầu năm 2014, khu di tích đón gần 190 đoàn với khoảng 3.600 lượt khách ghé thăm, vài công ty du lịch cũng đến khảo sát, kết nối tour với điểm thủy điện Sông Tranh, mở ra triển vọng về sự kết hợp giữa 2 điểm du lịch trong thời gian tới.

Doanh nghiệp chưa quan tâm  

Dù có nhiều đoàn khách đến các khu di tích nhưng có thể nhận thấy chủ yếu là khách công vụ và tự phát, khách theo tour rất ít. Ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà (TP.Đà Nẵng) cho rằng du lịch về nguồn của Quảng Nam hiện tại chưa thể thu hút doanh nghiệp lữ hành do chất lượng dịch vụ đơn điệu, trùng lặp, đặc biệt công tác quảng bá, thông tin hạn chế. Thời gian qua công ty đã tổ chức nhiều tour đưa khách về các điểm lịch sử tại Quảng Ngãi hay Quảng Trị như Sơn Mỹ, địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị… nhưng với Quảng Nam thì rất khó khả thi. “Thật tình tôi cũng không biết khu di tích Nước Oa ở đâu, chắc tôi phải tới đó khảo sát một lần xem có thể xây dựng tour bán khách được không” - ông Lộc nói. Đây cũng là điểm yếu chung của nhiều khu di tích trong việc phát triển du lịch ở Quảng Nam chứ không riêng gì Nước Oa hay Khu di tích khu V.

Theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh – Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (TP.Hội An), du lịch về nguồn rất kén khách vì chỉ tập trung vào một bộ phận khách cụ thể như thanh niên, sinh viên, cựu chiến binh, còn khách quốc tế thì hầu như rất khó, ngoại trừ một số ít cựu binh nước ngoài muốn trở về thăm lại chiến trường xưa. Bên cạnh đó, khoảng cách đường đi, hạ tầng giao thông, điểm đến lân cận, dịch vụ phụ kèm… cũng là những trở ngại khiến doanh nghiệp khó bán tour cho khách. Ông Phạm Mười – cán bộ Ban quản lý Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ - Nước Oa thừa nhận, đây là thực tế tại khu di tích. Hiện nay, khách đến tham quan cũng chỉ chọn 3 điểm là di tích Ban An ninh khu V, Bộ Tư lệnh và Ban Tổ chức Khu ủy  khu V, sau đó quay về. Ngoài sự tương đồng giữa các di tích thì một số công trình do kiến trúc xây dựng không phù hợp cũng vô tình kém thu hút khách tham quan. “Đường lên bia di tích Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam Trung Trung Bộ dốc đứng 182 bậc thì rất khó cho khách, nhất là các cụ cựu chiến binh khi lên tham quan viếng hương” - ông Mười cho biết.

Theo ông Lê Ngọc Tường – Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL), dù mục đích chính của những di tích lịch sử là làm nơi tưởng niệm, tri ân các bậc tiền bối và những người ngã xuống cho độc lập dân tộc nhưng không thể phủ nhận qua hoạt động du lịch sẽ góp phần phát huy giá trị điểm đến, giáo dục truyền thống cách mạng cho một bộ phận nhân dân, nhất là các thế hệ thanh niên, nhưng để làm được điều này còn phụ thuộc vào quan điểm kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành. “Du lịch về nguồn Quảng Nam đến nay cũng chỉ hoạt động ngẫu hứng, mang tính chất đặt hàng chứ chưa được công ty đưa vào tour thường xuyên vì hệ thống dịch vụ các điểm du lịch về nguồn tại Quảng Nam hầu hết còn rất thiếu” - ông Tường nhận xét.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng trống du lịch về nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO