Mới đây, hội thảo “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) cấp huyện” do Sở KH-CN tổ chức với mục tiêu từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH-CN cấp huyện.
“Trắng” cán bộ
Dù Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về “Chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2015, tầm nhìn 2020” đã nêu rõ, năm 2010, mỗi huyện/thành phấn đấu có một cán bộ chuyên trách quản lý KH-CN, song đến nay, chỉ mỗi Hội An là có cán bộ chuyên trách KH-CN. Tại hội thảo “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động KH-CN cấp huyện” và hội thảo “Đánh giá kết quả hoạt động KH-CN cấp huyện giai đoạn 2006-2011, phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2012-2016” được tổ chức trước đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH-CN cơ sở đã được mổ xẻ. Bà Hoàng Thị Kim Phụng - Phó phòng Quản lý KH-CN cơ sở (Sở KH-CN) thông tin, việc thiếu cán bộ chuyên trách đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công tác KH-CN cấp huyện. Tình trạng mỏng và yếu của đội ngũ cán bộ làm công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại các địa phương, tâm lý e ngại khi đăng ký đề tài cùng với sự yếu về kỹ năng tổ chức triển khai đề tài/dự án… là bài toán khó chưa được khắc phục nhiều năm qua. Hầu như ở bất cứ địa phương nào cũng vậy, trong số rất ít đề tài/dự án đăng ký thực hiện, một số phiếu đăng ký thì không đảm bảo chất lượng, số đề tài/dự án còn lại thì triển khai không đảm bảo đúng tiến độ. Nhiều huyện vẫn còn tỏ ra lúng túng trong khâu xây dựng và triển khai kế hoạch, triển khai nội dung quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp KH-CN cấp huyện. Dù phạm vi hoạt động KH-CN cấp huyện xoay quanh các nội dung: tổ chức bộ máy, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về KH-CN; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất đời sống; kết hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường chất lượng… nhưng hầu như các nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ… bị “bỏ trống”.
Chuối mốc là hàng nông sản cải thiện đời sống cho đồng bào huyện Đông Giang. Ảnh: B.L |
Ít nhưng vẫn dư
Trong khi nhu cầu đẩy mạnh ứng dụng, phổ biến KH-CN tại miền núi rất lớn thì tại Tây Giang, mỗi năm nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN do tỉnh cấp chỉ dao động từ 100 - 120 triệu đồng. Với nguồn kinh phí ít ỏi đó, năm 2013, Tây Giang chỉ có 1 dự án KH-CN được chọn triển khai là đề tài “Ứng dụng thiết bị sấy trong bảo quản nông sản”. Theo đó, 1 máy sấy nông sản cho 4 xã vùng cao phục vụ sấy nông sản mùa mưa đã được đầu tư. Giai đoạn 2013 - 2014, huyện cũng chỉ có một đề tài được triển khai “Ứng dụng KH-CN để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng tại chỗ và bón cho cây lúa nước” do Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN phối hợp với huyện triển khai. Ông Lê Văn Bút - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Giang thông tin, hằng năm, huyện đều làm danh mục KH-CN với những vấn đề cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương nhưng mỗi năm chỉ được xét duyệt 1 đề tài. Kinh phí phân bổ lại quá ít so với nhu cầu thực tế tại địa phương, trong khi ngân sách sự nghiệp KH-CN cấp huyện lại không có. Còn ông Lê Duy Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cũng cho hay, giai đoạn 2012-2013, Đông Giang triển khai được 1 dự án và 2 đề tài ứng dụng - chuyển giao KH-CN. Có thể nói, hoạt động KH-CN trên địa bàn huyện có chuyển biến, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Sự tham gia đăng ký thực hiện đề tài/dự án nghiên cứu, ứng dụng của đội ngũ cán bộ, viên chức trên địa bàn huyện còn hạn chế. Định mức chi trả đối với đề tài/dự án ban hành theo Quyết định số 23 của UBND tỉnh còn thấp, chưa phù hợp. Hơn nữa, địa bàn cách trở, quá xa với các đơn vị, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nên khó khăn trong việc tổ chức hội đồng thẩm định, đánh giá, phản biện đề tài với sự tham gia của những nhà chuyên môn…
Mỗi năm, nguồn kinh phí tỉnh phân bổ cho hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh tổng cộng 20,5 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho 18 huyện/thành phố 2,4 tỷ đồng/năm. Với mức đó, bình quân mỗi huyện/thành phố được chi 100 - 170 triệu đồng. Song đáng nói, dù phân bổ ít nhưng vẫn dư tiền. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho hay, hiện kinh phí sự nghiệp KH-CN cấp huyện còn hết sức khó khăn, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ ưu tiên đối với những địa phương hoạt động tốt, có kế hoạch hoạt động KH-CN hiệu quả. Và ngược lại, sẽ thu hồi kinh phí đối với những đơn vị thực hiện không hiệu quả, không sử dụng hết hoặc sử dụng không hợp lý. Cũng theo ông Tích, để nâng cao hoạt động KH-CN cấp huyện, giai đoạn 2014-2015, Quảng Nam phấn đấu có 50% cán bộ chuyên trách về KH-CN. Cùng với đó, sở sẽ có kế hoạch tạo điều kiện cho các địa phương đi tham quan những mô hình KH-CN hiệu quả, tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương có thể tìm hướng áp dụng vào địa phương mình. Sẽ tạo điều kiện để cán bộ KH-CN cấp huyện có thể tham gia những chương trình tập huấn KH-CN của cả nước…
BÍCH LIÊN