Được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng… nhưng các huyện phía nam của tỉnh (Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành…) nhiều năm vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.
Đa dạng điểm đến
Có thể điểm danh những điểm đến tiêu biểu ở phía nam của tỉnh bắt đầu từ cụm tháp Chiên Đàn với niên đại hơn nghìn năm. Ngoài 3 tháp cao vút xếp hàng theo trục bắc nam, nơi đây còn hiện diện nhiều hiện vật quý là các tượng bò thần, chim thần, vũ nữ… như minh chứng về một thời đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Champa. Cách đó không xa, xã Tam Thăng (Tam Kỳ) được xem là điểm về nguồn đặc trưng với hàng loạt di tích lịch sử cách mạng, văn hóa tiêu biểu như địa đạo Kỳ Anh, đình Thạch Tân, Bãi Sậy Sông Đầm, các nghề truyền thống... Thêm một địa chỉ đỏ sắp được đưa vào bản đồ du lịch ở phía nam là Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú). Quen thuộc với bãi biển Tam Thanh, hồ Phú Ninh với các điểm vui chơi giải trí dưới nước, ven hồ, khu cắm trại, khu bungalow hay đi thuyền ra tham quan đảo Khỉ, đảo Như Ý, đảo Phước Lộc… Một tour khép kín với nhiều cảm xúc khác nhau từ các loại hình du lịch đa dạng: văn hóa, lịch sử cách mạng và sinh thái, nghỉ dưỡng. Trải nghiệm phía nam không thể không nhắc đến các điểm đến ven biển Núi Thành mà đại diện là Tam Hải. Nơi không chỉ nổi tiếng có khung cảnh hữu tình mà còn giữ gần như nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của một ngôi làng bao quanh là biển. Nơi những ngôi nhà nằm bình yên, lẩn khuất sau rặng dừa qua bao đời vẫn còn duy trì các nghề truyền thống như dệt thảm xơ dừa, đan lưới, làm nước mắm… Tam Hải được ví như một hòn ngọc chưa được mài dũa của du lịch Quảng Nam. Bên trong Tam Hải là hòn Mang, hòn Dứa, hòn Dương - thế giới của sự hoang dại, sự quần tụ của các loài thủy sản, chim muông, là những rạn san hô kỳ lạ và những bãi cát đẹp mịn màng như trải dài bất tận.
Chưa đầu tư đồng bộ
Hạn chế rõ nhất thể hiện ở hạ tầng giao thông, dịch vụ, nguồn lực, nhất là sự tâm huyết của chính quyền địa phương trong suốt một thời gian dài. “Nếu chính quyền địa phương không có sự quyết liệt trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch thì khó hy vọng có sự khởi sắc” - ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.
Hố Giang Thơm - nơi còn chưa được khai thác ở phía nam của tỉnh. Ảnh: LINH ĐÀO |
Ngoài ra, một vấn đề các địa phương hay vướng phải là chỉ tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch mình có mà chưa quan tâm tìm hiểu du khách cần hay không. Đặc biệt, chưa có sự đầu tư đồng bộ giữa các hạng mục hạ tầng như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, khu ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí… gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đưa khách đến. Thực tế, nhiều năm qua chính quyền Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành cũng đã tích cực trong công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư. Một số địa danh như địa đạo Kỳ Anh, bãi biển Tam Thanh, hồ Phú Ninh… bước đầu đã được vài doanh nghiệp du lịch quan tâm đưa vào chương trình tham quan. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Hoàng - Giám đốc Khối thị trường trong nước, Công ty Lữ hành Vitour (Đà Nẵng), đến nay vẫn rất khó bán tour cho khách do sản phẩm nghèo nàn. Ông Hoàng cho rằng, tour tuyến đã hình thành, vấn đề là chính quyền địa phương và Sở VH-TT&DL có thật sự quyết tâm thúc đẩy du lịch nơi đây phát triển hay không. “Nếu chỉ làm du lịch theo kiểu phong trào mà không có sự tâm huyết, kiên trì đầu tư thì sẽ khó thành công”- ông Hoàng chia sẻ.
Phát triển du lịch luôn là câu hỏi đầy thách thức với nhiều địa phương, nhằm biến những tiềm năng lợi thế trở thành sản phẩm du lịch cụ thể, hấp dẫn doanh nghiệp và du khách chứ không chỉ là các đề án, kế hoạch, tầm nhìn với các con số chung chung xa thực tế, khi đó việc thúc đẩy du lịch các huyện phía nam của tỉnh mới có thể sớm trở thành hiện thực.
THÂN VĨNH LỘC