Không thiếu cơ chế, chính sách hay các cuộc xúc tiến đầu tư tại các diễn đàn, hội nghị, thị trường quốc tế và quốc nội. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của địa phương được đánh giá là chỉ dấu của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền vẫn chưa thể như ý muốn.
Thu hút đầu tư giảm sút
Hy vọng cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ dịch chuyển dòng vốn đầu tư về Việt Nam (trong đó có Quảng Nam) đã không thành hiện thực. Đại dịch COVID-19 đã cắt đứt, nhấn chìm mọi nỗ lực của địa phương trong việc kiếm tìm nguồn lực mới để tạo ra tăng trưởng, việc làm và thu ngân sách. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, số lượng nhà đầu tư, doanh nghiệp (FDI và nội địa) đang có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây.
Nếu năm 2020, Quảng Nam thu hút được 10 dự án FDI và 71 dự án đầu tư nội địa thì năm 2021, chỉ thu hút và cấp mới 50 dự án đầu tư (43 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký 6.535 tỷ đồng và 7 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 15,2 triệu USD).
So với năm 2020, các dự án nội địa được cấp mới giảm 43,4% về số lượng và giảm 40,8% về tổng vốn đăng ký đầu tư. Số lượng dự án FDI cấp mới chỉ giảm 30%, nhưng tổng vốn đăng ký đã giảm đến 60%.
Số lượng dự án phải điều chỉnh và chấm dứt hoạt động ngày càng gia tăng. Khoảng 70 dự án (47 nội địa và 23 FDI) đã buộc phải điều chỉnh, 18 dự án (10 nội địa và 8 FDI) bị chấm dứt hoạt động ngay trong năm 2021.
Số lượng dự án thống nhất chủ trương, địa điểm nghiên cứu đầu tư mới chỉ 15 dự án và 4 dự án cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My trong số 76 dự án được UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư (3 đợt), hiện thời cũng chỉ mới dừng ở giai đoạn chủ trương nghiên cứu đầu tư.
Ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, đại dịch kéo theo sự giãn cách xã hội hai năm (2020&2021) đã khiến việc kết nối với các cơ quan, đại sứ quán các nước hoặc tổ chức các cuộc xúc tiến, thu hút đầu tư không thể thực hiện được.
Năm 2022, thu hút đầu tư cũng chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Khoảng 60 dự án đầu tư được cấp phép (8.890 tỷ đồng vốn đăng ký), đa số là dự án đầu tư nội địa, chỉ có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 68,24 triệu USD. Tổng vốn đăng ký đầu tư nội địa lẫn FDI đều giảm so các năm trước.
“Bất ngờ” và “ảm đạm” hơn khi thu hút đầu tư năm 2023 (FDI và nội địa) đều giảm so cùng kỳ năm 2022. Trong 7 tháng đầu năm 2023, địa phương chỉ cấp phép cho 10 dự án đầu tư nội địa (1.623 tỷ đồng) và 1 dự án FDI (1 triệu USD), nhưng đã phải thu hồi 2 dự án FDI, cho dù không thiếu các hoạt động kết nối giao thương, giới thiệu, quảng bá tại các diễn đàn, hội thảo đầu tư quốc tế và quốc nội...
Chờ sự thay đổi
Kế hoạch xúc tiến, mời gọi, thu hút đầu tư đã không thể nhận được kết quả khả quan. Tiến độ đầu tư các dự án chậm hay khó thu hút các dự án mới được viện dẫn, xác định là thiếu quỹ đất sạch, vướng giải phóng mặt bằng hoặc sự chồng chéo của các luật liên quan.
Theo thống kê, tổng hợp của Sở KH&ĐT, hiện nay vẫn còn quá nhiều rào cản, vướng mắc, không dễ tháo gỡ để có thể đẩy nhanh tiến trình thu hút dòng vốn đầu tư vào địa phương.
Cụ thể, một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Thiếu đất sạch sẵn sàng giao cho nhà đầu tư.
Một số khu vực bị nghẽn giải phóng mặt bằng (thời gian thực hiện kéo dài, chính sách bồi thường thay đổi, quản lý hiện trạng lỏng lẻo dẫn đến việc xây dựng, cơi nới... không dễ giải quyết, thiếu đất, khu tái định cư...). Những ách tắc này đã buộc tiến độ đầu tư hạ tầng không thể thực hiện như đăng ký, nguồn vốn đăng ký bị phát sinh do chi phí bồi thường thay đổi, lãi suất ngân hàng...
Thủ tục pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân tác động mạnh đến thu hút đầu tư. Sự thường xuyên thay đổi của các thủ tục pháp lý, thiếu hướng dẫn, chồng chéo... đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, cơ quan xúc tiến đầu tư.
Nguồn lực dành cho quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế hoặc thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm hỗ trợ, tăng hiệu quả xúc tiến đầu tư không thể huy động được. Kinh phí (xúc tiến, xây dựng tài liệu...) chủ yếu phụ thuộc ngân sách tỉnh (ngày càng suy giảm).
Và quan trọng nhất, bộ máy tổ chức công tác xúc tiến đầu tư không đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện đã gây không ít khó khăn cho việc trao đổi thông tin, kêu gọi đầu tư ở các địa phương lẫn số hóa dữ liệu danh mục dự án thu hút đầu tư...
Tìm kiếm nguồn lực đầu tư từ các dự án đầu tư, thay vì dựa vào bầu sữa ngân sách ngày càng hạn hẹp là lựa chọn đúng. Thu hút đầu tư hiệu quả thể hiện môi trường đầu tư đã được cải thiện, đánh giá được năng lực điều hành kinh tế của chính quyền. Tuy nhiên, có thể hiểu xúc tiến đầu tư là cả một quá trình lâu dài, không phải chỉ thông qua một hoặc hai chương trình, sự kiện là thấy ngay được kết quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, nhiều doanh nghiệp châu Âu, Á tìm hiểu, có nhu cầu đầu tư vào địa phương như các tập đoàn Vidaxl (Hà Lan), Karcher (Đức), Hyosung (Hàn Quốc), điện khí Quốc Quang (Trung Quốc)… Chính quyền Quảng Nam đang xem xét, thẩm định dự án có đảm bảo các điều kiện để có thể cấp phép đầu tư.