Những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu chỉ mới sưu tầm và phổ biến một phần nhỏ của di sản văn nghệ dân gian Quảng Nam đồ sộ. Vẫn còn đó “khoảng trống” trong nghiên cứu di sản cha ông để góp phần lý giải bản sắc riêng của vùng đất “chưa mưa đà thấm”…
Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Đất Quảng 5 năm lần thứ 3 giai đoạn (2013 - 2019) được trao hồi cuối năm trước đã ghi nhận những tác giả có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian các dân tộc xứ Quảng. Trong đó có các công trình sưu tầm, khảo cứu công phu như “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An” của tác giả Trần Văn An (giải A), “Văn nghệ dân gian Thăng Bình” của Phùng Tấn Đông - Lê Xuân Tùng - Phan Văn Minh - Phạm Hữu Đăng Đạt - Xa Văn Hùng (giải B)…
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Cao Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, thành viên Hội đồng giám khảo cho rằng: “Những nỗ lực của đội ngũ làm công tác nghiên cứu văn hóa ở Quảng Nam nhiều năm qua là đáng khích lệ. Họ đã góp phần không nhỏ khơi sáng văn hóa - văn nghệ dân gian xứ Quảng. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn còn mỏng, vả lại chúng ta đang ở trong một thế giới chuyển động rất nhanh cho nên sự rơi rớt các di sản cổ truyền rất cao, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cha ông chưa được như mong đợi…”.
Nhận diện các di sản văn hóa - văn nghệ dân gian của cộng đồng các dân tộc là điều rất khó, đòi hỏi trình độ tri thức và sự lịch lãm của người nghiên cứu. Chính vì thế, lâu nay vẫn tồn tại thực tiễn rằng, đội ngũ những nhà nghiên cứu về văn nghệ dân gian đều lớn tuổi, có đủ thời gian để tiếp cận, trải nghiệm, học hỏi và chiêm nghiệm. Bởi, có những hiện tượng văn hóa dân gian tưởng đâu rất đơn giản nhưng khi đi vào nghiên cứu thì khó lý giải.
Trần Văn An trong công trình “Biển đảo trong văn hóa - văn nghệ dân gian Hội An” đã rất công phu sưu tầm, thể hiện được nhiều giá trị của đời sống văn hóa, ngôn ngữ cư dân vùng biển. Tuy nhiên, có nhiều từ ngữ, thói quen hay tín ngưỡng tuy được “khu biệt” trong công trình nhưng thực tế cư dân vùng biển các tỉnh miền Trung vẫn dùng khá phổ biến thì làm sao định danh được bản sắc riêng. Do đó, những hiện tượng văn hóa dân gian mà các nhà nghiên cứu gọi là phi quy thức hay vô pháp điển hóa trong lịch sử, thì trước tiên phải ghi nhận hiện tượng rồi dần dần mới mong lý giải sáng tỏ.
Đội ngũ nghiên cứu văn nghệ dân gian Quảng Nam do nhiều lý do chủ quan và khách quan chỉ dừng lại ở việc nhận diện các di sản bề nổi, còn phần lớn kho tàng này ẩn sâu trong đời sống cộng đồng thì chưa thể tiếp cận nghiên cứu và đi đến nhận thức sâu sắc về nó. Giải thưởng Văn học - nghệ thuật đất Quảng ghi nhận một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, đời sống người Cơ Tu của tác giả Briu Liếc. Đây được xem là bộ sách có giá trị ghi chép, lý giải các tín ngưỡng, văn hóa, tập tục của người Cơ Tu gắn với việc giải nghĩa bộ chữ viết và ngôn ngữ người Cơ Tu.
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng đánh giá bộ sách đã làm được hai việc: “Tạo cho người đọc ý thức về tiếng hay ngôn ngữ Cơ Tu, từ đó giới thiệu luôn về văn hóa Cơ Tu. Tuy nhiên, việc ứng dụng tác phẩm này trong thực tiễn như thế nào thì cần phải có thời gian xác thực. Cái thuận lợi của tác giả là người bản địa nghiên cứu về dân tộc mình nhưng lại hạn chế ở việc vận dụng những tri thức, phương pháp khoa học hiện đại để nghiên cứu nên dẫn đến những hạn chế nhất định trong công trình. Đây được xem là một trong những “khoảng trống” trong nghiên cứu văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam”.
Vài năm trở lại đây, Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh) đã từng bước kết nạp để tăng cường hội viên là người miền núi, tuy nhiên lực lượng này vẫn còn khá mỏng, độ trải nghiệm, chiêm nghiệm các vấn đề văn hóa văn nghệ mang tính truyền thống còn nhiều hạn chế, đồng thời cơ hội để tiếp xúc tri thức và phương pháp khoa học áp dụng cho nghiên cứu chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến thiếu hụt khá trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng.
Nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi Hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian trăn trở: “Với lực lượng hội viên 11 người như hiện nay, chúng tôi chưa làm được gì nhiều trong địa bàn rộng, trải dài từ miền núi xuống biển đảo. Do đó, việc cần thiết hiện nay là xây dựng được mạng lưới cộng tác viên để đảm bảo nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê và nghiên cứu. Đồng thời chủ động đề xuất những chương trình nghiên cứu văn nghệ dân gian dài hơi, quy mô”.