Bộ TN-MT vừa báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác vàng tại địa bàn 2 huyện Phú Ninh và Phước Sơn. Trong đó nổi cộm là tại Bồng Miêu, doanh nghiệp không làm thủ tục đóng cửa mỏ, làm ngơ phục hồi môi trường; bùng phát thực trạng xâm hại tài nguyên trái phép quanh khu vực được cấp phép.
Nhiều tụ điểm trái phép
Mặc dù Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu kiến nghị gia hạn giấy phép hoạt động nhưng quan điểm nhất quán của Bộ TN-MT và UBND tỉnh là không đồng ý cho doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động; đồng thời yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật, bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý và chủ động xây dựng lại phương án tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sau khi không được cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản. Ngày 19.7.2016, Bộ TN-MT có công văn yêu cầu Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trong diện tích 358ha; tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác, thực hiện nghĩa vụ khác như đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai.
Quanh khu vực mỏ vàng Bồng Miêu bùng phá nạn khai thác trái phép. Ảnh: T.H |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết: “Tuy đã yêu cầu công ty tuân thủ các quy định song đến nay Công ty Vàng Bồng Miêu vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm khi giấy phép khoáng sản hết hiệu lực như chưa trình đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu cho Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác chưa chặt chẽ”.
Theo ông Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ TN-MT, không gia hạn giấy phép hoạt động cho Công ty vàng Bồng Miêu tiếp tục hoạt động bởi mắc phải nhiều sai phạm. “Qua kiểm tra hồi tháng 9.2016, công ty đã dừng toàn bộ khai thác, chế biến. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra vẫn còn nhiều tụ điểm khai thác vàng trái phép trong khu vực khai thác đang hoạt động chưa được giải tỏa triệt để; có Công ty CP Tập đoàn công nghiệp 6666 được UBND tỉnh cho phép chế biến quặng đuôi từ hồ thải của mỏ vàng Bồng Miêu thông qua hợp đồng với công ty nhưng chưa báo cáo Bộ TN-MT. Ngày 10.10.2016, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam có thông báo yêu cầu công ty lập đề án đóng cửa mỏ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải tỏa các tụ điểm của khai thác vàng trái phép trong khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.
Hậu quả khó lường
Đến nay, UBND tỉnh chưa thu hồi 4 giấy phép khai thác quặng vàng cấp tại khu vực chưa có kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản theo Kết luận thanh tra số 1283/KLTT-ĐCKS, ngày 24.7.2012 của Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam. Cấp phép thăm dò quặng vàng tại khu vực phân tán, nhỏ lẻ nhưng chưa phê duyệt là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra có chỗ công khai, ngang nhiên và nhiều khu vực lại bùng phát... (Trích Văn bản số 2155/ BTNMT-ĐCKS của Bộ TN-MT, ngày 4.5.2017 về việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác vàng tại địa bàn tỉnh) |
Theo chính quyền xã Tam Lãnh (Phú Ninh), sau khi nhà máy đóng cửa, “đất vàng” không một ngày bình yên. Lực lượng chức năng ra quân truy quét, đập phá các thiết bị dụng cụ của vàng tặc nhưng không giải quyết tận gốc. Nỗi lo nhất là địa phương vừa phát hiện có đến 22 hồ chứa hóa chất với khoảng 270m3 tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt môi trường. Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thông tin, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được giao quản lý, khai thác đến 385ha, hiện còn 22ha đất trống chưa thực hiện việc hoàn thổ, người dân chiếm hơn 100ha đất trong khu vực để trồng rừng, nhưng đơn vị không có biện pháp ngăn chặn. “Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, UBND xã kiến nghị với UBND huyện Phú Ninh cũng như tỉnh, đề nghị không gia hạn và đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, yêu cầu khắc phục môi trường, kiểm soát diện tích được giao để ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép vào khu vực” – ông Vinh nói.
Từ ngày tận thu vàng đến nay, nhà máy vàng Bồng Miêu chỉ hoàn thổ được 7ha, nhưng thực tế trồng rừng qua loa để đối phó với cơ quan chức năng. Chính quyền huyện Phú Ninh khẳng định, số tiền ký quỹ môi trường 6,5 tỷ đồng của công ty chưa sử dụng vào mục đích gì. Nếu đơn vị đã ký quỹ môi trường mà không chịu hoàn thổ thì huyện sẽ trích số tiền trong quỹ đó ra để hoàn thổ. Mấy năm nay, sông Bồng Miêu bị nhiễm độc bởi hệ lụy của nạn tận thu vàng trái phép. Kết quả quan trắc môi trường năm 2016 cho thấy, dòng sông này bị nhiễm độc chì (Pb) thường xuyên và không theo một quy luật nào. Qua 12 đợt quan trắc trong năm 2016 chỉ có 3 tháng (tháng 2, 3 và 10) không ô nhiễm Pb, các tháng còn lại đều ô nhiễm, cao nhất là thời điểm tháng 5 vượt mức cho phép gấp 3 lần. Hậu họa lớn hơn là làm chết 2 người do sụp hầm vàng từ năm 2013 đến nay.
TRẦN HỮU