(Xuân Tân Sửu) - Đêm, trước khi con trâu bị “hành quyết”, các già làng Cơ Tu ngồi bên gươl để hát lý. Chủ nhà “khóc” bằng làn điệu dân ca bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn, cũng là để nói lời xin lỗi, cảm ơn và tiễn biệt bạn trâu về bên kia thế giới…
Khóc thương vật hiến sinh
Trống được đánh vang theo từng giai điệu sau mỗi lần kết thúc câu “khóc”. Và đậm đặc niềm thương tiếc đưa tiễn linh hồn trâu về cõi vĩnh hằng. Đó là những gì mà nhiều người thấy được trong nghi thức “khóc trâu” (nơơi tơ’rí) của đồng bào Cơ Tu, diễn ra trong bối cảnh các sự kiện trọng đại của gia đình, làng bản như đám cưới, mừng lúa mới, khánh thành gươl...
Già Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, “khóc trâu” thực chất là một loại hình nghệ thuật diễn xướng xuất phát từ tình cảm gắn bó giữa con người với con trâu. Vượt qua giới hạn tình thương mà đồng bào Cơ Tu dành cho vật nuôi của mình, “khóc trâu” còn mang thêm một nghĩa khác như một cách tạ lỗi, tiễn đưa linh hồn trâu về với thần linh.
“Con trâu, từ bao đời nay đều gắn bó với cuộc sống của con người. Đồng bào Cơ Tu, dù không dùng trâu để cày cấy nhưng luôn xem trâu như người bạn đồng hành, là vật nuôi mang giá trị rất lớn trong việc hiến tế thần linh. Vì thế, yêu quý trâu bao nhiêu, đến lúc trâu chết đi, người ta thương tiếc bấy nhiêu” - già Y Kông chia sẻ.
Để bày tỏ niềm thương tiếc với trâu, vào đêm trước khi trâu bị mổ thịt, hội đồng già làng Cơ Tu thường tổ chức một bữa tiệc trong gươl để thực hiện nghi thức “khóc trâu”. Các già làng ngồi bên nhau theo hình tròn để hát lý, người uy tín (hoặc chủ trâu) được cử đại diện để “khóc”. Lời tiễn đưa thể hiện sự cảm thông, tiếc nuối và buồn thương khi phải bắt trâu trở thành vật hiến tế cho cả làng (hoặc gia chủ).
“Người Cơ Tu rất xem trọng giá trị con trâu, bởi có trâu mới tổ chức được đám cưới, đàn ông mới lấy được vợ; nhờ trâu mà có điều kiện để tổ chức hội làng, mừng gươl mới, lúa mới...” - già Y Kông cho biết thêm.
Ý nghĩa nhân văn
Không “khóc trâu” trong tang lễ
Già Y Kông cho hay, nghi thức “khóc trâu” được thực hiện tại hầu hết sự kiện, trừ trường hợp tang lễ. Bởi, người Cơ Tu không muốn nhân đôi nỗi buồn cho thân nhân gia đình người mất. Qua đó cho thấy nét tinh tế trong cách ứng xử của đồng bào.
Trong văn hóa của tộc người Cơ Tu, các sự kiện trọng đại như lễ cưới, mừng ngày mùa, gươl mới, kết nghĩa anh em… thường tổ chức ngày hội theo hình thức “ăn trâu”. Đây được xem là những lễ hội lớn, mang ý nghĩa chung của cả cộng đồng, gia đình, tộc họ. Lễ “ăn trâu”, vì thế luôn gắn với những nghi thức độc đáo, từ múa hát trống chiêng, cúng tế thần linh, cho đến “khóc trâu”, ném vật tế lên chiếc giỏ được đặt phía trên trụ x’nur (cây nêu).
Theo ông Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang), trong nghi thức “khóc trâu”, người Cơ Tu thường ví von con trâu như người con, người cháu trong nhà. Việc hiến trâu cho thần linh là điều không thể cưỡng, vì thế mong con trâu hãy hiểu và cảm thông cho người.
Ông Hạnh “khóc” một đoạn trâu như sau: “Bh’ur achau bh’ur. May chô pa’teem oy ca’tiếc rang, ca’pang hoong. Đhơ hâm’bach may căh bing mơ tang, ưng’hang may căh bing mơ gươl, ơy cơr’noon hee vây zập cha’niêm, zoọ côông bhươl cơr’noon haanh achau…” (Ơi trâu ơi, cháu ơi. Mày về cho yên nơi vùng đất của loài ong. Dù thịt mày không đầy sân, xương mày không đầy gươl, nhưng cả làng đều đủ phần, không uổng dân làng đã khen).
Ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, không chỉ được xem là nét sinh hoạt độc đáo trong văn hóa tâm linh của người Cơ Tu, nghi thức “khóc trâu” còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị sống của vạn vật, muôn loài. Đây là cách mà người Cơ Tu giáo dục con cháu biết yêu thương loài vật, cũng như tu dưỡng cách sống nhân nghĩa và có trách nhiệm.