Khói bếp cay mắt người

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 25/02/2023 08:04

Sẽ rất thú vị khi bạn được lần đầu chứng kiến tục chia phần của người Cơ Tu: một hàng dài những mảnh lá chuối nhỏ nằm cạnh nhau, bên trên là từng miếng thịt, cháo loãng, vài hột muối. Mỗi thứ một tí, đều tăm tắp, cho cả làng, dẫu chỉ có vài người trong số họ tham gia cuộc đi săn, mang chiến lợi phẩm về và biến tấu thành bữa tiệc cho cả làng...

Người vùng cao ở Tây Giang, Đông Giang vẫn giữ tục ăn chung, chia phần. Ảnh: C.N
Người vùng cao ở Tây Giang, Đông Giang vẫn giữ tục ăn chung, chia phần. Ảnh: C.N

Dấu chân ở rừng

Một ngày không hẹn trước, chúng tôi ghé một thôn nhỏ ở xã A Nông (Tây Giang), đúng lúc người làng đang chia phần. Họ săn được một con heo rừng, và chúng tôi, trong chuyến ghé thăm tình cờ ấy, vẫn được hai phần thịt, cháo loãng và muối đựng trên mảnh lá chuối như con dân của làng. Hai người xa lạ được chào đón như con dân thứ thiệt của làng, với sự nồng hậu chân tình gói trong một tấm lá chuối. Miếng ăn thuộc về tất cả.

Thứ hạnh phúc ấy được sẻ chia từ những người chủ rừng hào phóng. Họ thừa hạnh phúc. Thứ hạnh phúc không cân đếm bằng đủ đầy tiện nghi như người miền xuôi. Thứ họ có là rừng. Từ rừng, họ tìm thấy mọi thứ. Chính xác hơn là tìm thấy hạnh phúc.

Chúng tôi được đắm mình trong không gian ngây ngất của rượu, của lòng hiếu khách, của câu hát từ những nghệ sĩ đại ngàn. Một già làng nói, đại ý, sống phải để vui. Niềm vui của họ có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, không cần phải đủ đầy mâm bát. Họ sống, vì ngày hôm nay, ngay lúc này.

Ngọn nguồn hạnh phúc mà chúng tôi được thấy, là từ những cuộc săn. Chúng tôi ghé lại làng Phú Mưa, thôn nhỏ nằm bên kia sông của xã Jơ Ngây (Đông Giang).

Lũ làng chỉ nhà già Alăng Chúc, người thợ săn huyền thoại của làng. Trên vì kèo, la liệt sọ heo rừng, sọ nai, chứng tích của một thời. Những chiếc sọ khô đét, ám đen màu khói. Ông Chúc đã già, năm tháng lấy đi nhiều quên nhớ, nhưng nhắc lại những cuộc đi săn, mắt ông lại sáng lên như chạm vào một miền vàng son trai trẻ.

Tuổi trẻ của ông ở rừng. Ông đi qua những cánh rừng, mải miết theo cuộc săn. Phần thưởng cho người đem về những con thú rừng là chiếc đầu, như sự ghi công của lũ làng dành cho những chiến binh.

Thanh niên chia thành từng nhóm nhỏ, dùng nỏ (tiếng Cơ Tu gọi là pananh) hoặc ống thổi tên (pr’loh) để bắn thú hoặc chim. Nếu là những con thú lớn, nguy hiểm như heo rừng, thậm chí gấu… thì mũi tên bao giờ cũng tẩm một ít chất độc ch’pơơr, loại kịch độc bí truyền của người Cơ Tu. Mùa đi săn của người Cơ Tu trải dài suốt năm.

Tục “chia phần“, một nét đẹp của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: C.N
Tục “chia phần“, một nét đẹp của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: C.N

“Có nhiều khi người trong làng lên không kịp để lấy thịt, cọp ăn mất gần nửa con thú, nên dân làng chỉ xẻ phần thịt thừa mang về. Trong những chiếc sọ thú treo trong nhà, cái lớn nhất là của một con heo rừng nặng đến gần 1 tạ. Bị trúng bẫy, nó cắn đứt lìa chân dính bẫy bỏ lại, tôi phải cùng 3 người nữa dùng nỏ, dùng dụ (một loại vũ khí của người Cơ Tu, giống cây giáo dài - PV) đâm hàng chục phát nó mới chết.

Lần đó, 4 người gùi thịt con heo đi hơn một ngày đường mới về đến làng, thịt được chia cho cả làng mừng săn được con thú lớn. Những khi có thịt (tiếng Cơ Tu là zăm hoác đh’năh, là từ chỉ chung cho thú rừng săn được), chúng tôi xoay mũi giáo vào cửa nhà, đi vào nhà, là tín hiệu thông báo để người làng cùng đi lên lấy thịt về cho cả làng” - ông kể. 

Miên man ký ức

Bây giờ, khi thú hoang không còn nhiều, người vùng cao cũng dần thôi ý nghĩ dành thời gian cho những cuộc đi săn đúng nghĩa. Chỉ thi thoảng, khi ký ức gợi lên, từ trong bếp, những người đàn ông lấy ra vài chiếc bẫy chuột loại nhỏ, đi dọc bìa rừng để đặt. Trên gác bếp, những chiếc bẫy bằng sợi dây cáp được cuộn tròn, đen kịt sau nhiều năm cất giữ, không hẹn ngày sử dụng. Vũ khí của thợ săn chỉ còn là kỷ niệm...

Sau tết, chúng tôi ngược núi ghé vào làng Arầng (xã A Xan, Tây Giang). Trưởng thôn Alăng Tèo lấy ra từ trong tủ một loại rượu màu vàng nhạt gọi là tr’đin. Rượu rất ngọt và thơm. Từ trong bếp, người nhà của Tèo mang lên một dĩa mồi ám khói.

Tèo nói, đó là da bò được treo giàn bếp. Tết, thay vì lên rừng săn thú, vài năm trở lại đây, người dân địa phương được khuyến khích chung chia thịt heo, bò để chế biến các món truyền thống đãi khách.

“Đi săn như trước đây ít lắm, gần như không còn nữa. Nhà nước cấm, người dân cũng ý thức được sự nguy cấp của động vật rừng nên cam kết không vi phạm pháp luật” - Alăng Tèo nói.

Câu chuyện của Alăng Tèo làm chúng tôi nhớ đến hôm ngồi dưới nhà sàn của Pơloong Plênh, một người bạn vùng cao. Ở Tây Giang, Plênh và một số thanh niên Cơ Tu khác như Bh’ling Phát, Cơlâu Nhức… vẫn được xem là thế hệ tiên tiến cả về nhận thức và hành động. Đặc biệt là bảo tồn văn hóa, với họ là việc sống còn.

Căn bếp nhà sàn của Plênh gần như đỏ lửa quanh năm, vừa là nơi để tiếp đón khách du lịch, vừa là không gian riêng của gia đình. Trên gác bếp, là củi và những xâu thịt xông khói. Plênh lấy ra một thớ thịt đã ngả màu cánh gián, mang xuống rửa sạch rồi nướng trên than hồng. Thịt tỏa mùi thơm đặc trưng, rất khó cưỡng.

 

“Thịt bò đấy, mới phơi được ít ngày nên vẫn còn vị tươi, chưa khô hẳn. Bây giờ làm gì còn nữa, thú rừng hết rồi, Nhà nước cũng không cho săn bắt nữa. Đến sóc, chồn cũng cấm rồi nên thôi, giữ được như vậy cũng hay” - Plênh dùng tay xé từng miếng thịt, giới thiệu với khách.

Chúng tôi nghiệm ngay vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, khi trên mâm đãi khách, những món thường thấy trước đây như thịt sóc, thịt chuột đã không còn hiện hữu. Người dân tiếp nhận một văn hóa kiểu mới, nói không với thịt thú rừng.

Những đôi chân trần đã mỏi. Già Chúc hình như giấu ưu tư trong tiếng thở dài, ánh nhìn thả trôi đâu đó ngoài ô cửa, dậy lên niềm tiếc nuối. Đã lâu lắm rồi, ông không còn thấy thịt thú rừng trong những cuộc vui, vắng thiếu hẳn những bữa “chia phần” ngây ngất men say của cảm giác chinh phục và chiến thắng.

Họa hoằn lắm, ngày tết mới thấy đôi con chuột khô, sóc khô được giữ để đãi khách. Đi săn là tục, trai tráng Cơ Tu thể hiện bản lĩnh của mình bằng thành quả của cuộc săn. Nhưng giờ hết rồi, vắng rồi.

Rừng đã không còn như xưa, thú rừng cũng hiếm. Cuộc sống hiện đại buộc phải dung nạp và tiếp nhận những điều mới, gần như bắt buộc, nhưng vẫn dậy lên trong lòng già làng bao mất mát mơ hồ.

Tết vừa rồi, trong gói quà mà người chú mang tặng chúng tôi lúc về thăm nhà, ngoài chiếc thổ cẩm, còn có ít con cá khô, ếch khô được bọc cẩn thận trong tờ giấy báo. Không còn thịt thú rừng, dù chỉ là thịt chuột, thịt sóc khô...

Không còn hạnh phúc của lang thang, không còn những cuộc chinh phục đầy phiêu lưu và sức mạnh, đồng bào cũng mất đi nhiều thích thú: âm nhạc, những đêm say sau lễ “chia phần”, huyền thoại chỉ còn trong chuyện kể.

Già Chúc trở xuống bếp, khói um lên, cay xè mắt. Chiếc pananh đã đứt dây, trơ trọi nằm đó, từ rất lâu rồi. Đêm vắng, tiếng ếch dội vào núi đồi, cô độc như người thợ săn già trong mái nhà nhỏ, bên kia sông...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khói bếp cay mắt người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO