Với tập sách “Khói bay về trời”, tác giả Duy Hiển đã nhẹ nhàng lưu lại bạn đọc nhiều suy nghiệm về cuộc sống, cả những vết xước hằn in trên quê mẹ không thể lãng quên.
Những điều không thể lãng quên
“Khói bay về trời” (NXB Hội Nhà văn, 2022) của Duy Hiển là tập sách giàu cảm xúc, gồm 32 bút ký và tùy bút được chia làm hai phần (phần I: Khói bay về trời; phần II: Hoa góc vườn).
Hầu hết bút ký, tùy bút trong tập đều ngắn. Có cảm giác mỗi câu chuyện được tác giả nén lại, rất chặt nhưng không bức bí, để rồi từng mạch nghĩ, từng cảm xúc, từng dòng hồi ức hiện ra trên trang viết đều mang chứa những thông điệp giản dị, gần gũi mà sâu sắc, thô tháp mà long lanh...
Như khi kể về ba cái lô cốt trước ga Tam Kỳ ngày nào, tác giả đã có được câu văn như là “tuyên ngôn”: “Không mấy ai còn biết ở đấy từng đứng lù lù những khối bát giác gớm ghiếc, những thứ chỉ để giết người. Cõi đời này vốn vậy, có những thứ không cần phải nhớ, nhưng có những thứ không được phép lãng quên” (Điều không cần nhớ).
Và, đâu đó là những nhớ nghĩ hoang hoải mà đắng đót, hẫng hụt: “Mỗi lần về quê ngoại, ngang qua mảnh đất một thời tranh chấp, cây bụi mọc lơ thơ, tôi thấy lòng thật hoang vắng” (Mảnh vườn quê ngoại). Bao nhiêu là kỷ niệm tưởng đã bị lãng quên, cứ thế sống lại, đầy chật cả tâm hồn.
Hầu hết câu chuyện, sự việc trong tập sách “Khói bay về trời” được viết từ những trải nghiệm, góc nhìn của chính tác giả - với tư cách là người trong cuộc, được ngưng lắng qua thời gian; cùng với đó là những suy nghiệm sống phong phú, nhiều đau thương, buồn vui và hy vọng.
Trong đó, phần I (Khói bay về trời) là sự tái hiện về thời kỳ nhiều đau thương của một vùng quê xứ Quảng và cả của riêng gia đình tác giả. Những mất mát không đong đếm được nhưng rõ mồn một trên từng trang văn, thành ra cứ xót xa, bùi ngùi. Cả những bi hùng nữa - một mạch cảm xúc, một loại chủ đề mà mấy năm trước, Duy Hiển từng thể hiện khá thành công trong tập bút ký “Năm tháng long lanh”.
Có lẽ nhờ hướng tiếp cận và cách thể hiện ấy mà có những câu chuyện riêng tư nhưng lại mang tính khái quát và ngược lại, có những câu chuyện chung của cộng đồng, xã hội nhưng lại là chuyện của mỗi một con người và có sức tác động đến nghĩ suy, hành động của mỗi cá nhân.
Trong tản văn được dùng làm tên của tập sách - “Khói bay về trời”, tác giả Duy Hiển đã “nhìn” ra được một “chốn về” phiêu linh, lộng lẫy và linh thiêng của khói hương. “Chiều nghĩa trang, những sợi khói hương bảng lảng bay về chốn mơ hồ. Người xưa vẫn coi những đỉnh núi ẩn trong khói mây là nơi trú ngụ của những linh hồn bất tử”. Những sợi khói ấy rồi sẽ và vẫn còn tỏa bay, mãi mãi...
Suy nghiệm về cuộc sống
Ở phần II (Hoa góc vườn) - với những tản văn mềm hơn, lãng đãng hơn. Bên cạnh những khoảnh khắc thăng hoa lãng mạn, khá nhiều trong số 23 tản văn ở phần này còn là sự bày biện khéo léo, tinh tế, sâu sắc những nghĩ suy, những câu chuyện của cuộc sống, về cuộc sống, từ cuộc sống hôm nay và hôm qua; cả những dự lường cho mai sau nữa. Ở đó, không thiếu những ký ức đẹp và ngọt ngào.
“Hoa dẻ của ngày xưa giờ đã xa rồi. Tôi đã xa vườn quê để bươn chải trong cuộc mưu sinh. Lấm láp giữa cuộc đời, những phút tịnh tâm nghĩ về hoa dẻ như ngộ ra một hương hoa minh triết” (Hoa góc vườn).
Cũng không thiếu những thảng thốt, day dứt. Như trong tùy bút “Người của làng”, khi nói về thiết chế làng xã ở thì hiện tại, chỉ một câu văn ngắn thôi mà gợi lên bao suy nghĩ: “Tình làng nghĩa xóm vẫn còn, nhưng đồng tiền sòng phẳng hơn”.
Giữa hai mảng đề tài - gồm ký ức chiến tranh và suy nghiệm, cảm nhận về cuộc sống hôm nay, Duy Hiển đã có sự tách bạch nhất định trong việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ và phương thức thể hiện - vừa linh hoạt vừa phù hợp. Tuy nhiên, điều thú vị trong “Khói bay về trời”, giọng điệu và phong cách cá nhân của tác giả vẫn không thay đổi: cẩn trọng, chừng mực, sâu sắc...
Từng câu chuyện được kể lại, viết ra, dù đau thương hay hân hoan, đều tạo ra những mỹ cảm, có khả năng tìm được sự đồng cảm, đồng điệu nơi người đọc. Tập sách còn có nhiều câu văn hay, mang tính đúc kết và có giá trị triết luận. Một số bài khá mềm mại nhưng vẫn đầy những thao thức, truy vấn, phản biện sắc sảo và rất đáng suy nghĩ về nhiều vấn đề của cuộc sống.