Bộ mặt nông thôn mới dần hình thành với nếp sống văn minh, đường giao thông sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, mỗi tổ dân cư có sân bóng chuyền, bóng đá… Kết quả đó, ở thôn 2 xã Tiên Sơn (Tiên Phước) có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận.
|
Đến nhà văn hóa tìm đọc sách, báo từ “Tủ sách nông thôn mới” đã trở thành nếp sống đẹp trong mỗi người dân thôn 2, xã Tiên Sơn.Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Nếp sống văn minh
Lâu nay, ông Phạm Viết Xô luôn đi sớm khoảng 30 phút trước mỗi cuộc họp nhân dân thôn 2. Ông bảo, đi sớm để tranh thủ đọc sách. “Thường, tôi hay tìm các đầu sách về văn hóa Việt Nam, sách luật pháp, sách viết về Bác Hồ để đọc. Tôi còn tranh thủ đọc báo để cập nhật tin tức trong và ngoài nước. Ở miền quê này, việc cập nhật thông tin hết sức hạn chế nên “Tủ sách nông thôn mới” là địa chỉ cho nhân dân tiếp cận tri thức”. Cũng như ông Xô, nhiều người dân khác ở thôn 2 đã có thói quen đọc sách, báo trước mỗi cuộc họp thôn, hoặc khi có thời gian rảnh rỗi thường đến nhà văn hóa thôn đọc sách. Tổ trưởng tổ dân vận thôn 2 - Trần Đình Hoàng cho biết: “Hầu hết bà con đều làm nông “đầu tắt mặt tối” với đồng ruộng nên ít có thời gian xem ti vi, lại bị hạn chế về internet nên ít nắm thông tin bên ngoài. Chi bộ, tổ dân vận thôn xác định cần có một tủ sách báo cộng đồng để người dân đến tìm đọc, bổ sung kiến thức. Được sự hỗ trợ của xã, chúng tôi mua tủ, sách báo về lập nên “Tủ sách nông thôn mới”. Dù mới chỉ có gần 90 đầu sách, báo nhưng cũng đã trở thành địa chỉ đến thường xuyên của nhiều người dân trong thôn”. Ông Hoàng cho biết thêm, để tạo thói quen đọc sách cho nhân dân, trước mỗi cuộc họp thôn, tổ dân vận mang những cuốn sách hay giới thiệu nội dung để bà con nắm bắt, phát sách để bà con cùng đọc. Dần dần, người dân thôn 2 tìm thấy nhiều điều hữu ích cho mình từ trong những cuốn sách, và tự tìm sách để đọc lúc rỗi. Qua tủ sách này, nhiều hộ dân đã tìm ra hướng đi mới trong sản xuất, áp dụng được các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi.
Một hiệu quả khác trong công tác dân vận ở thôn 2 chính là nâng cao được ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân. “Chúng tôi đề ra quy ước thôn: người dân đóng góp các khoản nghĩa vụ công dân hằng năm trước 30.9, hằng tháng công khai các khoản thu trước nhân dân. Cách làm nhẹ nhàng mà hiệu quả vô cùng, các khoản thu, đóng góp chúng tôi đều hoàn thành trước thời hạn mà chẳng bà con nào phàn nàn” - ông Hoàng vui vẻ nói. Ngoài ra, việc giấy mời hội họp đều gửi đến từng nhà với nội dung cụ thể đã giúp bà con chủ động thu xếp thời gian chuẩn bị ý kiến, kiến nghị liên quan để tham gia phát biểu. Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt ở khu dân cư, Tổ dân vận đã khéo léo triển khai các nghị quyết, các văn bản pháp luật, chủ trương chính sách đến với nhân dân.
Nông thôn khởi sắc
Trong xây dựng nông thôn mới, việc vận động thay đổi bộ mặt thôn, nâng cao thu nhập cho người dân được Chi bộ thôn 2 giao cho tổ dân vận làm chủ công. Trưởng thôn Trần Thị Thu, thành viên tổ dân vận thôn 2, nói: “Sau khi Chi bộ thôn xây dựng nghị quyết chuyên đề “Dân vận khéo” về xây dựng thôn văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tổ dân vận giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên sâu sát nắm bắt nguyện vọng nhân dân, đề ra giải pháp thực hiện. Thành công lớn nhất của Tổ dân vận thôn chính là vận động bà con chung tay bê tông hóa giao thông nông thôn”. Bà Thu cho biết, từ năm 2012 đến nay, tổ dân vận đã vận động bà con hiến đất và ngày công với tổng trị giá gần 800 triệu đồng. Đồng thời, nhân dân tự nguyện đóng góp 30 nghìn đồng/hộ/năm làm quỹ phát dọn vệ sinh các tuyến đường. “Khi đi vận động bà con, đừng mang tính ép buộc mà phải giải thích cho dân thấy cái lợi ích dài lâu, tuyên truyền bền bỉ sẽ thành công” - bà Thu chia sẻ.
Với những cách làm đó, ở thôn 2 xã Tiên Sơn không khó để tìm người dân tự nguyện hiến đất vì ai cũng sẵn sàng hiến đất làm đường. Bà Nguyễn Thị Hiền (tổ dân cư số 1) cho hay: “Hồi có chủ trương thôn mở đường đi qua vườn nhà, tôi cũng băn khoăn lắm vì phải phá bỏ nhiều cây cối như cau, quế. Nhưng qua nhiều lần tổ dân vận của thôn xuống giải thích, tôi hiểu ra rằng, mình chính là người được hưởng lợi khi có con đường bê tông này”. Giải tỏa được tâm lý, bà Hiền đã chặt 20 cây cau, 10 cây quế, dọn mặt bằng, hiến 500m2 đất vườn và góp 2 triệu đồng để làm đường.
Ở một khía cạnh khác, sau 2 năm thực hiện, tổ dân vận thôn 2 xã Tiên Sơn đã thực sự trở thành cầu nối, có vai trò tiếp sức trong việc hình thành các mô hình sản xuất, các tổ sản xuất ở địa phương. Như trường hợp ông Huỳnh Văn Hải, lâu nay do khó khăn về vốn nên loay hoay mãi vẫn không thể phát triển cơ sở nghề mộc của gia đình. “May mà tổ dân vận nắm bắt được hoàn cảnh, nguyện vọng của tôi, họ đến động viên tôi giữ lấy nghề, giúp hoàn thành hồ sơ để được Nhà nước hỗ trợ tiền mua máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ sự giúp đỡ của Tổ dân vận, 2 tháng trước tôi được hỗ trợ 6 triệu đồng mua máy liên hợp mộc” - ông Hải cho biết. Có thêm điều kiện để mở rộng quy mô, ông Hải nhận 4 nhân công ở thôn mình vào làm việc. Ông Hải vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Nhờ có cái máy liên hợp, hàng tháng đơn đặt hàng ông làm không xuể chứ chẳng còn bấp bênh thời vụ như trước”. Hiện nay, ở thôn 2 nhiều tổ sản xuất, hộ gia đình ăn nên làm ra từ khi tổ dân vận vào cuộc vận động thay đổi cách thức làm ăn, tư vấn các chính sách hỗ trợ sản xuất. Từ sự vận động, tư vấn này, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư mở dịch vụ xe tải, xe múc, chế biến thức ăn gia súc đem lại thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng mỗi năm. Đời sống nâng lên, kinh tế khá giả (hộ nghèo giảm mạnh từ 54,35% năm 2010 xuống còn 17,61% năm 2012), người dân thôn 2 càng hết mình chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi tích cực bộ mặt quê hương.
-------------------
Bài cuối: Kết nối ngư dân
ĐOÀN ĐẠO