Nhờ dân vận “khéo” và biết đặt lợi ích của người dân lên trước, mô hình tổ đoàn kết đánh bắt trên biển tại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.
|
Làm công tác dân vận phải biết đặt cái lợi của người dân lên hàng đầu, sâu sát với cơ sở. Ảnh: VINH ANH |
Lo trước cái lo của dân
Bà Võ Thị Đoan Trang - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình cho biết, từ thực trạng đánh bắt kém hiệu quả và tình trạng ngư dân không còn mặn mà bám biển, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể của huyện và 4 xã ven biển nghiên cứu xây dựng mô hình “Dân vận khéo”… Đi đầu là Đảng ủy xã Bình Minh với mô hình “Dân vận khéo - Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển”. Theo bà Trang, cách làm này cũng nhằm hướng đến góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 (về “hình thức tổ chức sản xuất”) trong xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Cao Xuân Tân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Bình Minh cho biết, năm 2011, khối dân vận, Mặt trận và các đoàn thể xã cùng với bộ đội Đồn Biên phòng Bình Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như họp dân, đến tận nhà, trong các buổi sinh hoạt đoàn thể... Nội dung tuyên truyền ngoài giáo dục tình yêu quê hương, yêu biển, bảo vệ biển, còn để ngư dân hiểu rằng cần phải thay đổi tư duy với nghề biển. Theo đó, cán bộ dân vận phân tích cho người dân thấy rằng, lâu nay các tàu cá đánh bắt xa bờ mạnh ai nấy tìm ngư trường, tàu nào đi đúng luồng cá sẽ một mình trúng to nhưng đó chỉ là cái lợi trước mắt. Bởi, một tàu không khai thác hết lượng cá trong luồng phát hiện được; trong khi đó, đánh bắt trên biển nguy cơ rủi ro rất cao, “một thân một mình” nếu gặp sự cố, tai nạn trên biển thiệt hại sẽ rất nặng nề. Từ những mối lo đã nhìn thấy, Đảng ủy, chính quyền và khối dân vận, Mặt trận, đoàn thể của xã quyết tâm thực hiện thành công mô hình tổ đánh bắt.
Ông Tân cho hay, xã chọn 4 tổ với khoảng 16 tàu để làm điểm. Lúc đầu, người dân không mấy “mặn mà” với chủ trương này, bởi vốn dĩ ngư dân vẫn còn tư tưởng bảo thủ, mạnh ai nấy làm. Lúc này, “bài toán” đặt ra là làm cách nào để người dân nhận ra lợi ích của mô hình và đồng lòng hưởng ứng. “Chúng tôi phải phân công và cử từng đồng chí đại diện Mặt trận và các đoàn thể xuống đứng điểm tại mỗi thôn để phân tích, giải thích cho người dân hiểu được chủ trương đúng đắn của việc tham gia tổ đánh bắt. Đó là, với tiêu chí “3 cùng” (cùng địa bàn cư trú, cùng nghề đánh bắt, cùng ngư trường sản xuất) sẽ giúp ngư dân giảm thiểu thấp nhất những rủi ro trên biển, cùng đoàn kết, tương trợ giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn…” - ông Tân chia sẻ. Kết quả, từ 4 tổ đoàn kết chỉ với 16 tàu, đến nay toàn xã Bình Minh đã có 22 tổ với khoảng 90 tàu, trong đó có 4 tổ đánh bắt xa bờ.
Yên tâm bám biển
Những mô hình tổ đánh bắt ở Bình Minh đã phát huy tác dụng, hầu hết ngư dân đã nhận thức và đăng ký tham gia vào tổ đoàn kết. Cái được lớn nhất từ mô hình này chính là “tình người trên biển” được nâng lên. Hiện nay cứ 3 - 5 tàu lại cùng một tổ đoàn kết, cùng nhau ra khơi, chia sẻ nguồn lợi trên biển. Bên cạnh đó, ở trên bờ, tình làng nghĩa xóm được gắn bó và đoàn kết hơn thông qua những việc thăm hỏi lúc ốm đau, hoạn nạn… Đáng nói, từ khi mô hình tổ đoàn kết ra đời, sản lượng đánh bắt tại Bình Minh những năm sau đều cao hơn năm trước. Ông Tân phấn khởi nói: “Từ sản lượng bình quân đánh bắt hải sản năm 2010, chỉ tiêu của xã đưa ra chỉ khoảng 4.000 - 4.200 tấn/năm, nay đã vượt lên 6.800 tấn/năm, chiếm 2/3 sản lượng đánh bắt hải sản của cả huyện. Những thành quả đó phần lớn nhờ những tổ đoàn kết đã phát huy tác dụng”.
Ngư dân Trân Công Nhiều (38 tuổi, thuộc tổ đoàn kết số 1, thôn Tân An) là một trong những ngư dân ở Bình Minh tham gia vào tổ đoàn kết sớm nhất. Cũng nhờ sự vận động, tuyên truyền của cán bộ dân vận, anh Nhiều đã sớm tham gia vào tổ đoàn kết. “Trước đây, mỗi lần ra biển, tàu của ai người đó tự lo liệu. Nhưng từ lúc vào tổ đoàn kết, đi biển an tâm hơn nhiều. Lỡ như máy móc có hỏng thì cùng nhau chia sẻ cách sửa chữa; khi tàu bạn có vấn đề, không có tiền sửa chữa để kịp ra khơi thì mình giúp nhau bằng cách cho mượn kinh phí rồi sẽ trả sau chuyến biển... Nhờ vậy mỗi chuyến ra khơi, ngư dân chúng tôi thêm yêu biển cả” - anh Nhiều phấn khởi nói.
Về hiệu quả mô hình “Dân vận khéo - Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển”, theo bà Võ Thị Đoan Trang, với mô hình điểm tại xã Bình Minh, từ chỗ còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành sinh hoạt tổ, đến nay đa số các tổ đoàn kết trên toàn huyện đã thực hiện tốt quy chế, cam kết ban đầu như: hỗ trợ nhau khi gặp nạn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như ngư trường. “Có thể nói, mô hình “Dân vận khéo - Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển” đã gắn kết, tạo sức mạnh giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Từ mô hình điểm đầu tiên tại xã Bình Minh, đến nay toàn huyện đã có 31 tổ, với 153 tàu cá. Sản lượng khai thác toàn huyện từ 6.500 tấn (năm 2010) lên 10.200 tấn (năm 2012). Đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tạo đòn bẩy để xây dựng thành công nông thôn mới đối với các xã ven biển của huyện Thăng Bình” - bà Trang nói.
VINH ANH