Thấu hiểu nhiều rào cản, định kiến mà phụ nữ phải đối mặt trong quá trình lao động cũng như cuộc sống, sáng kiến Women will giúp kết nối những tư duy lãnh đạo của phụ nữ và cung cấp cho họ kỹ năng kinh doanh, nhất là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số. Buổi hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng hôm qua 20.10, nhiều diễn giả và start-up chia sẻ về hành trình và cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tự tin khởi nghiệp
Không ai ngờ bây giờ bà Trịnh Thị Hồng đã là một doanh nhân, giám đốc của một doanh nghiệp có sức lan tỏa lớn - Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng. Quê ở huyện Tiên Phước, bà Hồng ra Đà Nẵng lập nghiệp với hai bàn tay trắng và cũng chỉ có ý tưởng khởi nghiệp một cách rất tình cờ. “Tôi khởi nghiệp với các chế phẩm sinh học từ phế phẩm vì hầu hết mọi người nghĩ không tìm thấy cơ hội từ rác” - bà Hồng chia sẻ. Hơn 45 tuổi, bà Hồng mới bắt đầu khởi nghiệp nhưng vẫn tìm được cho mình những cơ hội riêng để thành công từ chính các nhu cầu xã hội đời thường.
Trong khi đó, những người trẻ như Dương Diễm My (quê Duy Xuyên) lại tìm cơ hội từ ẩm thực, cụ thể hơn là một lĩnh vực ẩm thực tưởng như dần rơi vào lãng quên: ẩm thực Chăm. Dù vẫn đang là sinh viên đại học nhưng Diễm My đã mạnh dạn tiếp cận, tìm tòi tri thức, gọi vốn cũng như cách quản trị dự án khởi nghiệp. “Đối với nhiều người trẻ, start-up là khái niệm quá lớn lao, khó có thể làm được nhưng đối với tôi bên cạnh đam mê và những kiến thức, kỹ năng cần thiết thì điều bạn cần nhất là tinh thần kiên trì để theo đuổi và biến giấc mơ start-up thành sự thực” - Diễm My chia sẻ.
Women will là một sáng kiến toàn cầu của Google, một trong những trụ cột chính của chương trình “Grow with Google” tập trung vào việc sáng tạo cơ hội làm chủ kinh tế cho phụ nữ. Từ năm 2014, Women will được triển khai tại Ấn Độ và Nhật Bản, góp phần thu hẹp khoảng cách về giới trong kinh tế. Tính đến tháng 6.2019, dự án đã tiếp cận 42 quốc gia, huấn luyện hơn 26,2 triệu phụ nữ. Tại Việt Nam, Women will được triển khai từ năm 2018, hiện nay dự án được tổ chức song song với hoạt động đào tạo kiến thức Digital 4.0 miễn phí của Google mang tên “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” đang triển khai trên toàn quốc.
Bà Phạm Chi Lan - nguyên Tổng thư ký, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam phân tích: “Hiện nay tầng lớp có thu nhập trung bình ở nước ta chiếm khoảng 26% dân số và sẽ tăng lên 30% vào năm 2020 nên thói quen tiêu dùng từ offline sẽ ngày càng có xu hướng dịch chuyển sang online rất có lợi cho doanh nghiệp số và phụ nữ cần nắm bắt cơ hội này”. Cũng theo bà Phạm Chi Lan, nền tảng tăng trưởng kinh tế ở nước ta đã và đang chuyển dần sang đổi mới sáng tạo thay vì tập trung vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ như trước kia nên người phụ nữ cần phải trang bị được 3 yếu tố gồm: năng lực trí tuệ, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng.
Vượt qua rào cản
Qua một vài cuộc khảo sát của chương trình Women will ở nhiều quốc gia trên thế giới, hơn 215 người đàn ông khi được hỏi không tin vào sự bình đẳng trong công việc giữa đàn ông và phụ nữ, ở Nhật Bản bình quân có 2/3 người đàn ông được hỏi không muốn phụ nữ sinh xong quay trở lại ngay với công việc, trong khi tại Hàn Quốc bình quân chỉ 1 trong 3 người phụ nữ được hỏi tin rằng cơ hội về việc làm của họ bình đẳng với đàn ông. Chị Ngọc Hà - đại diện chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 (dự án Women will tại Việt Nam) chia sẻ: “Bệ phóng Việt Nam Digital đang hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp với mục đích đào tạo kỹ năng số cho người dân với các hình thức như kết hợp với đối tác làm lớp học lưu động hoặc mô hình xe buýt kỹ thuật số đem lớp học số đến 59 tỉnh, thành trên cả nước”.
Bà Trần Hà Mỹ Lợi - người quản lý và huấn luyện chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 cũng chỉ ra nhiều thiệt thòi cũng như tâm lý cầu toàn của hầu hết phụ nữ trên cả nước hiện nay qua các chỉ số thống kê. Theo đó, trung bình một phụ nữ hiện có khoảng 5 giờ làm việc không lương mỗi ngày trong khi con số đó ở nam giới khoảng 2 giờ. Khi một phụ nữ mong muốn tìm kiếm việc làm thì họ sẽ nộp đơn chỉ khi nhận thấy đáp ứng được 90% các yêu cầu từ nhà tuyển dụng, trong khi con số này với nam giới chỉ cần đáp ứng khoảng 60%. Cũng chỉ có khoảng 7% phụ nữ nêu ra mức lương mong muốn khi trả lời phỏng vấn trong khi 69% nam giới sẵn sàng đề nghị mức lương của mình với nhà tuyển dụng. Trong các công ty kỹ thuật số, tỷ lệ nữ giới đóng vai trò lãnh đạo ở các vị trí trung cấp chiếm tới 55%, nhưng con số này với lãnh đạo cấp cao giảm xuống chỉ còn 15% bởi nhiều áp lực hữu hình và vô hình.