LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn) đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.Báo Quảng Nam mở “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”, với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ “toasoan@baoquangnam.vn”, chuyên mục “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”).
Trong sự phát triển của đất nước, Đảng luôn đặt văn hóa làm nền tảng, yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều đó được thể hiện rõ qua Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tiếp đó là Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33). Mục tiêu mà Nghị quyết số 33 đặt ra vừa bao quát việc “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”; vừa nhấn mạnh và khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa, khi xác định phải làm cho văn hóa “thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với Quảng Nam, mặc dù “hạ tầng văn hóa” chưa đồng đều, nhiều khó khăn khách quan và cả chủ quan chưa được khắc phục triệt để, song toàn bộ các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 33 đề ra đều được triển khai thực hiện. Tuy cấp độ, cường độ và hiệu quả thực hiện từng nhiệm vụ có khác nhau, song nhìn chung là rất đáng ghi nhận, mà theo đánh giá trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh khóa XXI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là “được quan tâm xuyên suốt và có nhiều chuyển biến tích cực”.
Theo dự thảo báo cáo, bên cạnh việc thực hiện có chất lượng các phong trào quần chúng về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác kiểm đếm, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... là những hoạt động rất hiệu quả trong giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa; trong việc nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền, nâng cao dân trí, định hướng dư luận xã hội... Dự thảo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng văn hóa, con người Quảng Nam, đó là: Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống có lúc, có nơi bị xem nhẹ. Từ đó, trong phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, dự thảo báo cáo đã đặt ra một loạt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vừa khái quát vừa cụ thể, hài hòa giữa “điểm” và “diện” trong từng nội dung. Trong đó, có nhiều mục tiêu, giải pháp mang tính nền tảng, thể hiện được tầm nhìn xa và quyết tâm chính trị cao, như tăng cường giáo dục thế hệ trẻ; bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị, nhân cách tốt đẹp của con người Quảng Nam; xây dựng các đề án cụ thể để phát triển toàn diện con người; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc lành mạnh, công bằng về cơ hội và lợi ích; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội; xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, làm cho văn hóa trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp trong hoạt động kinh tế...
Tuy nhiên, để thật sự khơi dậy được sức mạnh nội sinh của văn hóa, của con người xứ Quảng, những vấn đề mà dự thảo báo cáo đặt ra dường như chưa đủ. “Bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị, nhân cách tốt đẹp của con người Quảng Nam” là hết sức quan trọng, song mục tiêu sẽ khó đạt được nếu không tính đến việc làm rõ đâu là nét văn hóa cơ bản nhất, đặc sắc nhất của con người Quảng Nam, nếu không chỉ ra được đâu là cái xấu cần phải loại bỏ và đâu là cái tốt, cái tinh túy cần được phát huy, nhân rộng. Cũng vậy, xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân... là cần thiết, nhưng nếu chỉ xem đây là một phần trong mục tiêu xây dựng văn hóa, con người thì e là phiến diện. Để có được kết quả toàn diện hơn, mục tiêu này cần được lồng ghép và cụ thể hóa vào các mục tiêu về xây dựng Đảng (nhất là về chính trị, tư tưởng, đạo đức); mục tiêu về tổ chức, cán bộ; mục tiêu về GD-ĐT và rộng ra là mục tiêu tổng thể về nâng cao dân trí.
Ngoài ra, việc dự thảo báo cáo không hề đề cập vai trò và các đóng góp của văn học, nghệ thuật trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người - cả trong phần đánh giá kết quả nhiệm kỳ XXI lẫn trong kế hoạch thực hiện trong nhiệm kỳ XXII tầm nhìn đến năm 2030, có thể nói là một thiếu sót. Bởi lẽ, nhiều năm qua ở Quảng Nam, những đóng góp của văn học, nghệ thuật trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, trong việc xây dựng văn hóa, con người nói chung... là rất tích cực, phong phú và sinh động. Hơn thế, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cũng đã chỉ rõ về vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật trong đời sống: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Về lâu dài, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị “chẳng những để làm gương cho chúng ta ngày nay mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”.
Ngoài những vấn đề trên, dự thảo báo cáo còn bỏ sót một nội dung quan trọng khác, đó là gắn “xây” với “chống”. Toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra đều theo hướng “tạo ra những cái tốt đẹp” chứ chưa dự báo, đặt vấn đề về việc đề phòng, ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ (nói chung là “chống”) những cái xấu, cái độc hại trong đời sống.