Những năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi Thi đua yêu nước của Bác Hồ, cán bộ và nhân dân toàn tỉnh đã cùng nhau thi đua trong học tập, công tác, sản xuất, chung tay xây dựng quê hương, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tuổi trẻ luôn là lực lượng xung kích trong các phong trào thi đua ở cơ sở. |
Phát huy nguồn lực
Những năm qua, dấu ấn tinh thần thi đua yêu nước của nhân dân toàn tỉnh đã được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, ngành, các giới và không ngừng được đẩy mạnh, đổi mới. Qua công tác thi đua, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, các nhân tố mới với những cách làm hay, thiết thực gây xúc động mạnh đối với cộng đồng dân cư. Nhờ đó, nguồn nội lực tiếp tục được phát huy, nguồn ngoại lực được tranh thủ hiệu quả, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh nhà.
Theo thống kê của Ban thi đua khen thưởng tỉnh, tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trên các mặt sản xuất, phát triển kinh tế của tỉnh đạt được những kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp đã nỗ lực và chú trọng tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành được hơn 1.000 trang trại, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 6.000 lao động; đã có 69.494 trường hợp được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định, với tổng giá trị ước đạt 14.765 tỷ đồng, tăng 17,3 % so với năm 2011. Nhiều làng nghề truyền thống được duy trì và phát huy; các sáng kiến, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Thương mại, du lịch, dịch vụ, xuất - nhập khẩu cũng như các lĩnh vực tài chính, tín dụng có những bước tiến nhất định. |
Ông Nguyễn Phước Tuân - Trưởng ban Thi đua khen thưởng tỉnh cho biết, kết quả của phong trào Thi đua yêu nước toàn tỉnh trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013 đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra. Kết quả đạt được đã thúc đẩy và khơi dậy sức mạnh nội lực của tất cả các ngành, lĩnh vực, các giai tầng trong cộng đồng xã hội. Công tác thi đua được đẩy mạnh và ngày càng chú trọng đi vào thực chất với định hướng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề có tính bức thiết đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Ông Tuân khẳng định: “Qua phong trào Thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, những nhân tố mới được bình chọn, vinh danh tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư”.
Hiệu ứng lan tỏa
Là một đơn vị mới được thành lập, còn nhiều khó khăn nhưng trong nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chi bộ Chi cục Thuế huyện Nông Sơn đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tiếp tục quán triệt chặt chẽ, sâu sát, việc triển khai thực hiện học tập các chuyên đề được tổ chức thường xuyên. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cán bộ, công chức trong đơn vị vừa tích cực trau dồi đạo đức, tư tưởng chính trị, vừa tăng cường công tác chuyên môn, tổ chức hoàn thành tốt và luôn vượt mức dự toán của cấp trên giao. Ông Đỗ Đình Liễu - Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện cho biết: “Từ thực tiễn công tác của ngành, chúng tôi đã chú trọng phát động phong trào Thi đua yêu nước trong toàn cán bộ, đảng viên đơn vị. Trong đó, xác định đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành”. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thi đua đã đăng ký, cán bộ, đảng viên của đơn vị đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành và địa phương.
Những chuyển biến tích cực ở Chi cục Thuế huyện Nông Sơn là một minh chứng sinh động cho hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo ông Tuân, bên cạnh sự nỗ lực của các cá nhân, đơn vị, việc vinh danh, khen thưởng kịp thời và có nhiều đổi mới trong thời gian qua đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào thi đua yêu nước cả tỉnh. Trong công tác này, đối tượng, tiêu chuẩn, hình thức, quy trình xét khen thưởng, hồ sơ thủ tục… đều đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, kịp thời, chính xác và xứng đáng. Đối tượng khen thưởng cũng được mở rộng trong những lĩnh vực, ngành khó khăn, độc hại; đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, biên giới. Việc khen thưởng đột xuất gương người tốt - việc tốt, cá nhân - tập thể đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn được chú trọng, dần đi vào thực chất, sâu sát, góp phần phát huy tối đa ý nghĩa, vai trò của công tác thi đua trong quần chúng. “Những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua khen thưởng làm ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả của phong trào Thi đua yêu nước đang được tích cực khắc phục nhằm đảm bảo ý nghĩa, tính sâu sát, thiết thực và hiệu quả của phong trào” - ông Tuân nói.
Nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng Để kịp thời phát huy phong trào Thi đua yêu nước, trong năm 2012, Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh đã xét duyệt đề nghị UBND tỉnh trình Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, 13 Huân chương Lao động hạng Nhì, 38 Huân chương Lao động hạng Ba, 11 Cờ thi đua của Chính phủ, 99 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào. Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng, trao 103 Cờ thi đua, công nhận 769 danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Đơn vị Quyết thắng, 499 danh hiệu Chiến sĩ thi đua và hàng nghìn Bằng khen cho các tập thể, cá nhân. |
PHƯƠNG GIANG - HÀN GIANG