(QNO) - Sau 3 ngày diễn ra liên tục, triển lãm sách, xuất bản lần thứ 2 tại Quảng Nam kết thúc trong nhiều tiếc nuối của độc giả.
Sách… tìm bạn đọc
Gần 4.000 đầu sách trưng bày, trong đó nhiều nhất phải kể đến những ấn phẩm về đất và người Quảng Nam. Mỗi cuốn sách là một hành trình đầy đặn về vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trình bày công phu, bắt mắt là điều đầu tiên “lôi kéo” độc giả ở lại với sách. Bạn đọc được phép lật giở từng cuốn sách, thoải mái cầm đọc. Đáng quý hơn cả, những cuốn sách về đề tài lịch sử, danh nhân xứ Quảng được nhiều người tìm đến.
Hội sách tại Thư viện tỉnh thu hút các bạn học sinh, sinh viên tham gia. |
Ông Phạm Thông - người chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam cho rằng, sách về lịch sử cách mạng đã được đầu tư công phu từ chính quyền cũng như người cầm bút. “Tuy nhiên, khâu quảng bá chưa được chú trọng nên có rất nhiều cuốn sách sử của Quảng Nam khá hay vẫn chưa được nhiều bạn đọc quan tâm. Hội sách lần này là cơ hội quý cho các tác giả địa phương” - ông Thông nói.
Tại gian hàng trưng bày, triển lãm “Ấn phẩm văn nghệ xứ Quảng” của Hội VHNT tỉnh là các đầu sách của gần 40 tác giả, nhóm tác giả hội viên. Đây là thành quả sáng tạo miệt mài, bền bỉ, tâm huyết trong hơn 10 năm qua của các văn nghệ sĩ xứ Quảng; đáp ứng được phần nào nhu cầu đọc sách, kết nối văn chương, nghệ thuật của công chúng xứ Quảng. Qua đó, hình dung được phần nào tiến trình phát triển đáng tự hào của văn học nghệ thuật xứ Quảng. Gian trưng bày triển lãm sách của Thư viện tỉnh cuốn hút bạn đọc qua cách sắp xếp theo các mô hình Lăng Bác Hồ, về Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Chủ quyền Biển đảo Việt Nam và Văn hóa, danh nhân xứ Quảng…
Thông điệp từ Ngày sách Việt Nam nhằm vực dậy nền văn hóa đọc, giới thiệu giá trị những cuốn sách xưa và nay cũng như tôn vinh cả người đọc. Vì vậy, việc có nhiều bạn trẻ tìm đến hội sách là tín hiệu vui. Điều này, có thể tác động ngược lại đối với ý thức các bậc phụ huynh lâu nay vốn dĩ xem nhẹ chuyện đọc của con cái. Một nhân viên phát hành sách của Fahasa chia sẻ, số lượng đầu sách công ty này bán ra trong 3 ngày diễn ra hội sách tăng gấp 4 - 5 lần so với tại nhà sách.
Về quê cùng sách
Ngoài việc trưng bày, triển lãm sách, ngày hội sách ở Quảng Nam còn có các hoạt động giao lưu, gặp gỡ các nhà văn cũng như bàn về các hoạt động xuất bản sách. Đặc biệt, buổi giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thu hút rất đông học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia. Chứng kiến cảnh các em xếp hàng đợi nhà văn ký tặng cũng như hào hứng theo từng câu trả lời của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mới thấy được sức hút của nhà văn xứ Quảng này. Hơn 30 năm sau ngày chọn con đường văn chương, Nguyễn Nhật Ánh mới trở về quê hương để tổ chức giao lưu cùng bạn đọc. Ông nói: “Người hành nghề con chữ như tôi chỉ biết tái hiện nỗi nhớ quê hương trong từng trang sách. Tự mỗi gương mặt, lối sống, giọng nói của người xứ Quảng đi vào văn chương của tôi rất tự nhiên”.
Xếp hàng đợi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách. |
Nhiều thắc mắc rất dễ thương của người hâm mộ gởi đến ông và đôi câu hỏi khiến nhà văn không khỏi xúc động. Một bạn đọc nhí hỏi ông, “tại sao chú lớn tuổi như vậy mà viết giống như đang là một người bạn của con?”, hay là “chú có sợ tác phẩm của mình bị quên lãng không?...” Hóm hỉnh, trả lời cặn kẽ, đôi chỗ còn chen cả đọc thơ, Nguyễn Nhật Ánh khiến không gian giao lưu rộn tiếng cười.
Ông nói: “Nhà văn nào cũng sợ tác phẩm của mình bị quên lãng. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi nghĩ, mọi thế hệ học trò nào cũng có những rung động đầu đời, những câu chuyện, thắc mắc mà không phải lúc nào cũng chia sẻ được với người lớn. Tác phẩm của tôi, có thể là người bạn của các bạn tuổi mới lớn; hết lớp này đến lớp khác. Nên tôi tin, các bạn có thể quên tôi, nhưng truyện của tôi thì chắc... sẽ nhớ”. Hay như khi trả lời động lực nào khiến nhà văn viết khỏe như vậy, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, đã 30 năm nay, kể từ khi viết cuốn truyện đầu tay là “Trước vòng chung kết” (1985), ngày nào ông cũng lao động. “Lúc nào tôi cũng đang viết truyện mới. Đó là một nhu cầu về tâm hồn. Suốt 30 năm nay nó trở thành thói quen lao động. Hết cuốn này tôi lại viết cuốn khác”.
Buổi giao lưu kết thúc trong sự tiếc nuối của rất đông các bạn tuổi mới lớn, bởi lẽ họ còn khá nhiều thắc mắc dành cho nhà văn. Cảm nhận được chân tình của các bạn học trò, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hy vọng sẽ được giao lưu cùng các bạn nhỏ xứ Quảng trong một thời gian không xa. Cũng tại buổi giao lưu, hai tủ sách Kính Vạn Hoa được nhà văn gửi tặng Trường THCS Nguyễn Du và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ).
Sách không chỉ để đọc một, hai ngày. Hy vọng những hoạt động trong Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 vừa qua sẽ là một tiếng chuông thức dậy rất nhiều giá trị từ sách.
SONG ANH