Khói đồng

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 04/06/2016 08:43

1. Tháng Tư, mùa gặt. Tháng Năm, đốt đồng, cày vỡ, chờ xuống nước gieo sạ… Đó là một quy trình cứ tuần tự diễn ra ở làng và trên những cánh đồng lúa quê ta. Những đứa trẻ tuổi ta ngày xưa vẫn chạy nhảy trên những cánh đồng vừa gặt, giong lên những cánh diều và hít căng lồng ngực mùi thơm rạ mới. Nhưng nhớ nhất, nhớ thành nghiện những chiều hôm, cái ánh lửa đốt rơm hực lên ngoài ruộng và những đám khói lam bay mù một góc trời. Những năm xa quê trong chiến tranh, nhớ về làng cũ tôi không khỏi nhớ cái màu khói của hạnh phúc và no ấm sau mùa gặt ấy, và tôi viết:

Rợp trời khói tỏa bên sông
Làng ai nhen ngọn lửa lòng vui ghê!

Trong đám khói tỏa nồng mùi rơm rạ ấy, không chỉ là một vụ mùa đã kết thúc mà còn mở ra một mùa vụ sinh nở tiếp theo với bao hy vọng. Thế nhưng chiến tranh đã mang đến những đám khói khác của tang thương và ly biệt. Từng cánh đồng khô khát, hoang hóa ngút cỏ. Mỗi chiếc lá tre rơi rụng trên đường chiều như thể đôi mắt ai trông đợi từ xa vắng ngày quay về làng cũ…

Khói đồng sau vụ gặt. Ảnh: HỨA THẠNH
Khói đồng sau vụ gặt. Ảnh: HỨA THẠNH

Tôi có biết một người trong làng, trước khi quảy lên vai đôi quang gánh nặng đầy quần áo, nồi soong và vài vật dụng cần thiết cho cái sống, đã phải bỏ những lư hương, chân đèn trên bàn thờ vào một cái bao rồi thả xuống giếng, trước khi vội vã thoát ra ngôi nhà đang cháy vì bom đạn. Lại có người ở làng khác, một tay ôm vết thương đang chảy máu và một tay ôm cái ống tre đựng bộ gia phả chạy ra khỏi làng trong nghi ngút khói lửa và đạn bom… Sau hòa bình, nhiều tộc họ kém may mắn hơn đã không còn lại dấu vết gì của lai lịch tổ tiên vì làng mạc, cửa nhà đã thiêu rụi. Họ đã vất vả thế nào để nặn óc, truy tìm mà lắp ghép lại để gọi là gìn giữ chút gia phong! Ngọn khói của chiến tranh cay nghiệt đến thế là cùng!

Và ngọn khói đồng chiều nay trên đường trở lại quê từ thành phố. Tôi dừng xe lại, bước xuống bờ ruộng, đi đến thật gần đám lửa rơm đang ngún, cố ưỡn ngực để hít cho đầy cái mùi hương tỏa ra từ đó. Ngọn lửa, làn khói của no ấm, tái sinh và hạnh phúc…

2.Thì ra đâu chỉ là ngọn khói, đâu chỉ là mùi hương của rơm rạ của đất đai, của mùa vụ… Cái phía khói rơm tỏa mù ấy là phía làng của mỗi chúng ta những buổi chiều hôm. Nơi đó, mỗi người đã để lại những kỷ niệm của tuổi thơ, những tình cảm của giềng xóm, của con gà mái cục tác nhảy ổ, của chiếc nong mỗi đêm ngồi nghe người già kể chuyện dưới trăng, của nồi sắn luộc chấm muối mè giành nhau trong góc bếp, của những dấu chân bám trên đường quê mùa mưa bão…

Một nhà thơ nào đó mà tôi từng đọc, đã viết:

Tuổi thơ mỏng manh sợi khói
Loãng vào trời tím hoàng hôn…

Mỏng manh vậy mà không dễ gì dứt, không dễ gì đứt! Cái mỏng manh của ký ức lại luôn bền chặt với mỗi người, có khi nó lặm đi đâu đó rồi một lần hiện lên trong giấc mơ. Làn khói đồng lại lay dậy những đàn trâu với từng vần đồng dao trên đường làng, lại đánh thức hình ảnh một đôi trạc gánh phân trâu về trên vai một người già nghèo, lại khơi nhớ cái mùi khoai lùi trong bếp chụm bằng lá tre ngoài chái…

Trên đường về làng tôi, bây giờ vẫn là con đường băng qua cánh đồng cũ. Con đường đã mở rộng ra, đã có bê tông nhựa, nhưng sao tôi lại nhớ đến từng chi tiết những buổi chiều năm ba đứa cùng trang lứa ôm vở đi từ trường học trở về xóm. Ghé vào sân đình nhặt vài hạt chim chim, trèo lên cây trâm hái mấy chùm trái vừa chín tới rồi hát nghêu ngao giữa con đường đất thơm nồng mùi khói rạ cũ. Cũng có những chiều, đi từ làng kế bên trở về làng mình phải vượt qua mấy cánh đồng rộng, qua một bến sông, một cây đa cổ thụ và dừng chân lại chùa làng. Hồi đó chưa hiểu làng nào cũng có chùa có đình, chưa hiểu chùa Tam Thanh thờ cả Phật, Khổng, Lão và cả các bậc tiền hiền, chưa biết đàn bà con gái có thể lên chùa cúng vái mà không thể ra đình… Trên con đường nối hai làng ấy, cánh đồng như một vòng tay bao bọc, chở che và nuôi sống những thế hệ kế tiếp nhau từ mấy trăm năm. Cánh đồng tháng Năm phân chia hai làng đang ngợp trong màn khói đốt rạ ấy dường như cứ nhắc mãi những lời vô ngôn cùng năm tháng. Để bây giờ, khi tóc đã hoa râm, chúng thức dậy, lay động tâm hồn mình!

3. Có thể bạn bảo quê hương là con diều biếc, là cầu tre nhỏ là khế ngọt trên cành, là sen nở những ngày hè thoang thoảng… vì bạn đã sống với những kỷ niệm, hồi ức đó. Còn tôi, là cái mùi của khói đốt đồng. Khói đồng trĩu nặng mùi rơm rạ của tuổi thơ tôi, để chiều nay làm sống dậy, rõ mồn một, những hình ảnh tưởng như đã phai nhạt. Những điều của bạn và của tôi đều có thật như quê hương, như hơi thở miên viễn của làng quê. Bởi vậy, khi nghe một nhà nghiên cứu nói rằng: “Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã, và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu từ việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam” (Vũ Đình Hòe, Hồi ký), tôi chợt thấy từ cánh diều, cây cầu tre của bạn và cả làn khói đồng của tôi đều không còn là chuyện nhỏ. Tất cả cái nhỏ nhặt đó, liên kết con người lại và tạo ra văn hóa làng quê…

Còn lại gì khi làng quê đi về “nông thôn mới”? Phải chăng là sự liên đới của bạn và tôi? Liên đới đến mọi hành vi của một cá thể sẽ không tác động tiêu cực đến cộng đồng và những cá thể khác. Làng quê tồn tại trong sự phát triển mang tính liên đới và trách nhiệm ấy sẽ tạo ra một quê hương vừa giàu bản sắc vừa không bị cản lực trên đường phát triển, như những mảng khói chiều mỏng manh mà luôn bền chắc một hình ảnh làng quê!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khói đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO