“Triệu ngày khắc khoải” do NXB Văn học ấn hành, tập hợp 40 bài viết từ cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ, do Hội hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh (HCM), Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM phối hợp tổ chức, đem đến nhiều xúc cảm cho bạn đọc về một thời hoa lửa.
Tại buổi ra mắt “Triệu ngày khắc khoải”, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhận định: “Sau mỗi câu chuyện với những số phận được hiện ra trước mắt, khiến chúng ta vừa tự hào vừa nể phục trước sự hy sinh quá đỗi lớn lao nhưng đồng thời cũng bật ra từ mỗi chúng ta những câu hỏi day dứt đến xót xa...
Chính từ “chất liệu” quá cao cả mà bình dị và cũng quá đỗi thầm lặng mà không kém phần nghiệt ngã đau thương bởi chiến tranh và hệ lụy của chiến tranh, để những người cầm bút không chỉ kể về họ trong cuộc vận động viết này, mà còn sẽ tiếp tục kể, kể mãi cho đời sau, cho những thế hệ mai sau”.
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM cho rằng: “Điều đáng trân trọng, các tác phẩm đều cố gắng ở mức cao nhất nhằm khắc họa phẩm chất anh hùng, bản sắc Việt của mỗi công dân Việt Nam, dù họ là tướng lĩnh, chỉ huy hay là một người lính bình thường. Đặc biệt hơn nữa, trong các tác phẩm ấy, hình ảnh các bà mẹ, người vợ, người yêu chiến sĩ - liệt sĩ với việc làm, suy nghĩ bình thường đã chạm vào trái tim người đọc”.
Sau khi phát động cuộc thi với đề tài “Viết về thương binh, liệt sĩ”, các nhà văn, nhà thơ, bạn viết... trong cả nước đã hưởng ứng nồng nhiệt. Ngoài những tác giả chuyên nghiệp, trong cuốn sách “Triệu ngày khắc khoải” còn có những cây bút không chuyên tham gia cuộc vận động.
Và điều đáng trân trọng còn có sự góp mặt của các tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo tên tuổi, như: Trung tướng Lưu Phước Lượng, Trung tướng, PGS-TS. Nguyễn Đức Hải, Đại tá Mạc Phương Minh, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh, Bích Ngân, Trình Quang Phú, Trầm Hương, Đỗ Viết Nghiệm, Trần Thế Tuyển…
Trong “Triệu ngày khắc khoải” mỗi tác giả đã thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của người đang sống với những người ưu tú đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời mình cho đất nước. Các tác phẩm khắc họa được phẩm chất anh hùng, bản sắc Việt của mỗi công dân Việt Nam.
Như Huỳnh Lan Khanh con gái kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - nguyên Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bị địch bắt đưa lên máy bay trực thăng, không khuất phục, Lan Khanh đã nhảy ra khỏi máy bay và hy sinh nơi chiến khu Tây Ninh vào Tết Mậu Thân năm 1968 (“Thắm biếc một nhành lan” - Nguyễn Minh Ngọc).
Trong “Cao Mê Lai, có ai còn nhớ?” của Nguyễn Vũ Điền nói về cuộc chiến sinh tử của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam thuộc Trung đoàn 174 tại Cao Mê Lai (Campuchia). Nơi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, đó cũng chính là khoảnh khắc bừng sáng về tình đồng đội của những người lính Cụ Hồ...
Hay như những câu chuyện của cựu chiến binh Vũ Đình Luật trong tác phẩm “Chuyện về các chiến sĩ hy sinh trước thềm giải phóng” của Tuyết Dân; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Mặt trận 479 trong tác phẩm “Tinh thần Phù Đổng từ chiến tranh đến hòa bình” của Hoài Hương)… đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Trong buổi ra mắt tập sách, nhân vật đặc biệt được mọi người quan tâm và ngưỡng mộ đó là thương binh Trần Duy Phương trong tác phẩm “Trần Duy Phương - Người con gái kiên cường” của tác giả Quế Hà.
Thương binh Duy Phương chia sẻ: “Tuy bị thương tật nặng nhưng tôi vẫn bị bắt vào tù, khi tôi ra tù thì phải nằm trên cáng để trao trả sau khi hiệp định Paris được ký kết. Cả đời còn lại của tôi sống gắn liền với nạng và xe lăn...
Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm bản thân sống vì những người đã khuất, bởi vì bạn bè đồng đội của tôi đã hy sinh rất nhiều. Câu nói của những người mẹ có con hy sinh mỗi khi nhìn thấy tôi: “Ước gì con của bác được như con” khiến tôi nhói lòng, chính câu nói đó là ý chí động lực giúp tôi vượt qua được những giây phút sinh tử”.
Nhà văn Trầm Hương day dứt: “Sau mỗi câu chuyện với những số phận được hiện ra trước mắt, khiến chúng ta vừa tự hào vừa nể phục trước sự hy sinh quá đỗi lớn lao nhưng đồng thời, cũng bật ra từ mỗi chúng ta những câu hỏi day dứt đến xót xa. Vì sao con số hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy còn lớn quá.
Những năm qua, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được quân dân và cả hệ thống chính trị rốt ráo thực hiện, song vẫn nhói lòng vì những cảnh đời cơ cực, những góc khuất âm u, những số phận cơ nhỡ đâu đó rải rác trên khắp dải đất linh thiêng hình chữ S này... Điều đó làm cho mỗi chúng ta như cảm thấy mình có lỗi, có lỗi với máu xương và vẫn thấy mình mắc nợ với cuộc đời này”.