Giáo dục - Việc làm

Khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng

QUỐC TUẤN 26/03/2024 10:53

(QNO) - Sáng 26/3 tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) - Đại học Đà Nẵng diễn ra chuỗi sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP.Đà Nẵng.

img_9408.jpeg
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP.Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo TP.Đà Nẵng; lãnh đạo Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản và Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.Đà Nẵng.

Sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP.Đà Nẵng là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đề án phát triển vi mạch bán dẫn của TP.Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Qua đó nhằm định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu, dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử trong chuỗi giá trị của bán dẫn và vi mạch.

img_9415(1).jpeg
Dịp này, VKU khai trương trung tâm vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh. Ảnh: Q.T

Năm 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn (khóa đầu tiên) với sự phối hợp giảng dạy của VKU, Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.

Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng gồm: VKU, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT.

Điểm nhấn của chương trình là việc các giảng viên nguồn được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên tại trường của mình - đây là kỳ vọng lớn nhất trong mục tiêu triển khai chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP. Đà Nẵng.

20240326_090801.jpg
Bên trong trung tâm vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh của VKU. Ảnh: Q.T

Dịp này, VKU tổ chức khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh (VKU-SSTH). Trung tâm được trang bị 30 máy tính và phần mềm thiết kế vi mạch có bản quyền của Synopsys, cùng nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng trong dự án ODA 7,7 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn 2022 - 2027 phục vụ đào tạo các khóa vi mạch bán dẫn.

Phát biểu tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đô la vào đây, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và đổi mới. Điều này đặc biệt đúng trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Các công ty Hoa Kỳ như Synopsys đã tiên phong trong tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam. Những sản phẩm này cung cấp năng lượng từ điện thoại đến ô tô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số làm nền tảng cho nền kinh tế hiện đại.

Chương trình này thể hiện cam kết tăng cường hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân và các trường đại học nhằm phát triển nhân tài công nghệ cao tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO