Đào tạo nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh đã được khởi động trở lại, thu hút lao động các huyện miền núi theo học.
Lao động đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục chọn học nghề may công nghiệp. Ảnh: D.L |
Đào tạo nghề theo Quyết định 3577 năm 2018 được khởi động đầu tiên ở Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh (huyện Nam Giang). Lao động đến từ các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My đã đến học tập trung tại trường theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Chị Bling Thị Liên (SN 1998, xã Dang, Tây Giang) đăng ký đi học nghề may ngay sau Tết Nguyên đán. Do ở xa, chị Liên học tập trung tại trường, được ăn, ở miễn phí. Chị Liên nói: “Khi học tập trung, tôi được nhà trường hỗ trợ miễn phí chỗ ăn, ở nên rất yên tâm. Tôi mới học được cách may trên máy những đường may cơ bản, rồi cô giáo chỉ cách may chuyên một chi tiết của cái áo. Sau đó tôi sẽ được công ty đào tạo tiếp tục trong một tháng trước khi làm việc chính thức. Ban đầu tôi hơi lo lắng khi đi học xa nhưng thầy cô và cán bộ xã động viên đi học để có công việc ổn định nên sẽ cố gắng hết sức”.
Sau một tháng học tại Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh, hiện nay lao động khóa đầu tiên được đào tạo tại doanh nghiệp từ đầu tháng 5.2018 đến nay. Lao động học khóa này đã đến các công ty như may Germton (Quế Sơn), Panko Tam Thăng (Tam Kỳ), Vast Apparel (Phú Ninh), Kad industrial SA Việt Nam và PV Vina Đà Nẵng (Hòa Khánh, Đà Nẵng) để được đào tạo trong một tháng tiếp theo. Đồng thời các công ty này cũng sẽ tiếp nhận lao động vào làm việc sau khi hoàn thành khóa đào tạo theo đúng cam kết với nhà trường. |
Trong đợt đào tạo nghề may công nghiệp này, các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My có khá đông lao động theo học. Anh Hồ Văn Bá (SN 1991, xã Trà Tập, Nam Trà My) học xong lớp 12 nhưng vẫn chưa xin được việc làm. Khi có thông báo về khóa đào tạo nghề may, anh Bá đã đăng ký tham gia. “Vì chưa lập gia đình nên việc học tập trung với tôi rất thuận tiện. Tôi sẽ nỗ lực hoàn thành chương trình học để có công ăn việc làm, thu nhập ổn định”.
Trong khóa đào tạo nghề theo Quyết định 3577 đầu tiên của năm 2018, Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh tuyển sinh được 114 học viên ở các huyện miền núi cao của tỉnh. Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau tết, các cán bộ, giáo viên của nhà trường đã bám sát phương án, biện pháp tuyển sinh được bàn bạc, bám cơ sở vận động lao động đi học nghề. Địa bàn các huyện miền núi cách xa nhau, nên cán bộ của trường đi cơ sở thời gian dài, bám thôn bản, từng hộ gia đình vận động. Với gia đình và lao động, cán bộ tuyển sinh phải nêu cụ thể chính sách, các ưu đãi học nghề của nhà nước, nơi làm việc sau học nghề, lương hướng, chế độ khi làm việc... Có như thế, gia đình lao động mới tin tưởng cho con em họ đi xa nhà học nghề, làm việc. Và những đợt vận động như thế phải luôn luôn có cán bộ của địa phương đi cùng mới thuyết phục. Vì vậy nhà trường phải liên tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tuyển sinh, đào tạo.
Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tiếp tục đào tạo theo phương thức tập trung, rèn luyện cho lao động tác phong kỷ luật khi ăn ở, ngủ nghỉ đều theo giờ giấc quy định. Với khóa đào tạo lần này, nhà trường được các công ty hỗ trợ tích cực khi đưa máy may lên tận trường, rồi cho kỹ thuật của công ty hỗ trợ cùng giáo viên của trường đào tạo tay nghề cho lao động. Lao động được học nghề theo từng công đoạn như khi làm việc trong doanh nghiệp. Mỗi người được học chuyên từ 1 đến 3 công đoạn cụ thể như may tay áo, túi áo, cổ áo, túi quần, lưng quần, ống quần... Ngoài học may, lao động còn được học các kiến thức về an toàn lao động, vật liệu may, thiết bị may.
DIỄM LỆ