Là địa phương có số lượng tàu câu mực khơi nhiều nhất huyện Núi Thành, sau những ngày tết, ngư dân ở xã Tam Giang tất bật bước vào mùa khai thác hải sản.
Tàu câu mực khơi ở Tam Giang chuẩn bị xuất bến. Ảnh: VĂN PHIN |
Chúng tôi đến cảng cá An Hòa (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) vào ngày đầu xuân, không khí nơi đây nhộn nhịp hẳn lên. Bên cạnh những con tàu đậu san sát tại bến cảng, nhiều ngư dân hối hả chuyển các phương tiện, dụng cụ lên tàu chuẩn bị vươn khơi. Ông Lương Văn Cam, chủ tàu câu mực khơi số hiệu QNa-90039 (thôn Đông An) chia sẻ: “Năm ngoái, tàu chúng tôi khai thác đạt sản lượng cao, anh em bạn biển rất phấn khởi. Năm nay, chúng tôi ra quân đánh bắt với quyết tâm giành thắng lợi. Điều tôi lo trong vụ khai thác trong năm mới này là nguồn lợi thủy sản, nhất là mực xà ở các vùng biển truyền thống như Hoàng Sa giảm sút. Tôi sẽ cố gắng tìm ngư trường mới, nhưng đảm bảo không vi phạm vùng biển nước ngoài như cơ quan chức năng khuyến cáo”.
Với nhiều thế hệ ngư dân dạn dày kinh nghiệm bám biển, những năm qua, xã Tam Giang sở hữu đội tàu câu mực khơi hùng hậu và đánh bắt đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động tại địa phương cùng các vùng lân cận. Riêng năm 2017, đội tàu câu mực khơi của xã có 30 chiếc với tổng công suất máy hơn 21.870CV, khai thác được hơn 9.000 tấn mực khô, tổng giá trị đạt 322,8 tỷ đồng, tăng 138 tỷ đồng so với năm 2016. Nhiều phương tiện có doanh thu cao hơn 10 tỷ đồng như tàu QNa-91269TS của ông Phạm Cương (thôn Đông Xuân), tàu QNa-90037TS của ông Lương Tới (thôn Đông Mỹ), tàu QNa-90039TS của ông Lương Văn Cam, tàu QNa-90129TS của ông Lương Văn Viên (thôn Đông An)... Nhiều “bạn” đi trên các tàu câu mực khơi có thu nhập cao, từ 250 đến 270 triệu đồng/năm như ông Đỗ Văn Vui, Phạm Văn Dự (thôn Đông An), Huỳnh Văn Thanh (thôn Hòa An)...
Thắng lợi trong mùa câu mực khơi năm ngoái đã tạo đà cho đội tàu xã Tam Giang rẽ sóng ra khơi năm nay. Tuy nhiên, thực tế nghề câu mực ở Tam Giang vẫn còn những khó khăn. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang nói: “Tuy nghề câu mực khơi ở địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nhất là tình hình tai nạn trên biển. Riêng năm 2017, xã Tam Giang có 3 ngư dân bị mất tích, 1 tàu câu mực bị sóng đánh chìm, ước thiệt hại gần 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tham gia tổ đoàn kết đánh bắt trên biển của các chủ phương tiện còn mang tính hình thức; một số chủ tàu thực hiện nhắn tin không đủ số lượng nên không hưởng đủ 4 chuyến hỗ trợ nhiên liệu trong năm. Khi có sự cố trên biển, các chủ tàu ít báo về địa phương... Trong mùa khai thác hải sản năm mới này, địa phương vận động ngư dân từng bước khắc phục những khó khăn, tồn tại đó...”.
Năm nay, toàn xã Tam Giang phấn đấu khai thác 12.000 tấn hải sản, trong đó có 9.300 tấn mực khô. Theo ông Phạm Văn Châu, năm nay 100% phương tiện đánh bắt xa bờ của địa phương phải đăng ký thành lập tổ đoàn kết khai thác trên biển và phải có hoạt động hỗ trợ theo quy chế; các tàu phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong quá trình khai thác hải sản cũng như di chuyển ngư trường, không vi phạm chủ quyền lãnh hải của các nước bạn...
VĂN PHIN