Khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Không dễ thực hiện!

LÊ DIỄM 29/09/2017 13:54

Số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Quảng Nam đến hết tháng 7.2017 hơn 86 tỷ đồng. Dù có nhiều biện pháp, nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể thu hồi nợ, giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Các vụ đình công, lãn công xảy ra có nguyên nhân nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp nên lao động bức xúc. Ảnh: L.L
Các vụ đình công, lãn công xảy ra có nguyên nhân nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp nên lao động bức xúc. Ảnh: L.L

Nợ dai dẳng

Có những doanh nghiệp, chỉ cần nhắc đến tên người nghe đã lắc đầu ngao ngán. Bởi chủ doanh nghiệp không còn, tài sản còn lại chỉ là những tòa nhà rêu bám, nợ các khoản BHXH, BHYT, BHTN dai dẳng không có phương án trả. Có thể kể đến như Công ty CP Đồng Xanh, Công ty CP Xây dựng giao thông 502, Công ty liên doanh Công trình Miền Trung, Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam… Doanh nghiệp tuyên bố phá sản, cơ quan BHXH chốt nợ đọng BHXH, doanh nghiệp nợ càng lớn, càng lâu thì càng khó thu hồi. Những doanh nghiệp này đều để nợ trên 4 năm, hoàn toàn không có phương án trả. Hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng bởi nợ BHXH từ các công ty này chấp nhận bỏ khoản thời gian dài đã tham gia, đi làm ăn ở nơi khác và bỏ sổ, tham gia lại từ đầu.

Theo phân tích của ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, tình trạng nợ đọng xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp khối ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Mặc dù khi để nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN thì lãi suất chậm đóng vẫn chưa bằng lãi suất ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn chiếm dụng vốn do không phải làm thủ tục vay vốn hay thế chấp, thì nợ để chiếm dụng vào công việc khác vẫn thuận lợi hơn. Quan trọng hơn là ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao, xem thường quyền lợi của người lao động, khấu trừ tiền lương của lao động nhưng không nộp về cơ quan BHXH, mà chiếm dụng làm việc khác. Các doanh nghiệp nợ lớn, nợ kéo dài khi bị thanh tra, kiểm tra đều đổ lỗi cho việc kinh doanh gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ. Ông Hà cho biết: “Doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, chỉ có biện pháp xử phạt hành chính, khởi kiện thì mới có thể thu hồi nợ để quyền lợi của người lao động được giải quyết. Nhưng việc khởi kiện của cơ quan Liên đoàn Lao động các cấp lại gặp khó khăn do thủ tục khởi kiện quá phiền phức, quy định người lao động ủy quyền cho chủ tịch công đoàn cơ sở làm hồ sơ đưa lên liên đoàn lao động cấp trên khởi kiện, trong khi chủ tịch công đoàn cơ sở là ai? Họ chính là người của doanh nghiệp cử ra làm nhiệm vụ công đoàn, lương do doanh nghiệp trả, thế thì có ai đứng ra khởi kiện chính doanh nghiệp hay không?”.

Xử lý chưa đủ răn đe

Theo ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN đã làm ảnh hưởng quyền lợi của gần 10 nghìn lao động khi không được hưởng các chế độ trợ cấp thất nghiệp nếu mất việc làm, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... Từ năm 2015 đến nay, việc giải quyết các vụ đình công, ngưng việc tập thể tại 10 cuộc đình công ở 8 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngoài nguyên nhân trả lương không đúng thì còn có nguyên nhân từ việc chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; cụ thể như ở các công ty TNHH YS Vina, dệt may Thái Liên, may Hiệp Đức, may Minh Hoàng 2. “Hiện nay, các doanh nghiệp đều trả tiền lương, thu nhập cho lao động cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong thực tế tiền lương doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN chỉ bằng hoặc cao hơn khoảng 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Việc tham gia các chế độ bảo hiểm mức thấp hơn mức trả thực tế, sau này lao động hưởng các chế độ cũng ở mức thấp, đặc biệt là chế độ hưu trí sẽ có mức trợ cấp thấp” - ông Tứ cho hay.

Sở LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh việc thực hiện pháp luật lao động ở doanh nghiệp. Nhưng các đợt thanh kiểm tra cũng chủ yếu nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở là chính, chưa thể xử phạt được vì doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất. Ông Nguyễn Thành Khả - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thông tin, năm nào Thanh tra Sở cũng tổ chức thanh tra, mỗi năm từ 15 đến 20 doanh nghiệp, theo phương thức liên ngành. Ông Khả cho biết: “Đi thanh tra doanh nghiệp nợ thì nơi nào cũng gặp khó khăn, nên chủ yếu hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng lộ trình trả nợ BHXH, BHYT, BHTN, được cơ quan BHXH chấp nhận và theo dõi, nhắc nợ. Thanh tra có quyền xử lý vi phạm, lập biên bản xử lý hành chính, nhưng doanh nghiệp nhận văn bản cũng không có tiền để nộp, mà cưỡng chế thì không làm được”.

Đối với việc đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, ông Lưu Văn Thương nói rằng quy trình của Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra để thực hiện việc khởi kiện chỉ là một bên, khi khởi kiện thì liên quan đến nhiều thủ tục phía tòa án, nên phức tạp hơn. Từ khi có quy định mới đến giờ Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ tiến hành thủ tục khởi kiện được một đơn vị là Công ty Con đường xanh, khi phát đơn kiện thì đơn vị cam kết xin trả nợ cũ là 10 tỷ đồng, và không để nợ mới phát sinh. Doanh nghiệp làm đúng cam kết, nên Liên đoàn Lao động rút đơn kiện. Ông Thương kiến nghị: “Làm sao để Tòa án Nhân dân tối cao có hướng dẫn về quy trình, thủ tục khởi kiện đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN cho hệ thống Liên đoàn Lao động để gỡ vướng mắc về thủ tục. Theo quy định phải có 3 lần xử lý vi phạm hành chính mới khởi kiện được, như vậy phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Nhưng thanh tra, kiểm tra bây giờ phải cẩn thận vì Chính phủ quán triệt không được gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi thanh tra, kiểm tra trùng lắp... Như thế muốn khởi kiện một doanh nghiệp nợ cũng mất trên 3 năm chờ đủ các thủ tục, lúc đó quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng quá nhiều rồi”.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Không dễ thực hiện!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO