(QNO) - Từ trong tai họa lũ quét, sạt lở, trước những khó khăn, thách thức của đồng bào các dân tộc vùng cao lúc này, hơn lúc nào hết chúng ta phải khơi lên ngọn lửa hy vọng trong lòng mỗi người dân, cùng nắm chặt tay nhau, cùng đoàn kết tiến lên phía trước để bản làng đẹp hơn, yên bình hơn, an toàn hơn, no ấm hơn.
Trong bối cảnh đó, tại nghị trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã quan tâm, chia sẻ những đau thương, mất mát, cảnh "màn trời chiếu đất" của đồng bào miền Trung và cũng rất băn khoăn, lo ngại về nạn phá rừng đầu nguồn, việc phát triển, quản lý thủy điện.
Liên quan đến tình hình bão lũ, thiên tai năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28.10, lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây, nhưng chính nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%; nếu không, đỉnh lũ về ngày 28.10 sẽ gây ngập trắng toàn vùng hạ lưu. Tuy nhiên, chúng ta duy trì kéo dài xả lũ sang ngày 29 đến 30.10, xả nước ở mức thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu.
Song Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường, tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ.
Giải trình về thiên tai ở miền Trung, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần có đánh giá độc lập của cơ quan khoa học. Thực tế, các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung vừa qua là "tổ hợp của nhiều loại hình thiên tai", như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử.
Dưới đây chúng ta cùng nhìn lại những vụ sạt lở đất, lũ quét vô cùng tang thương sau cơn bão số 9 đối với đồng bào miền Trung vừa qua để hiểu hơn câu hỏi: "Vì sao?". (Nguồn: VTV1).
Theo tôi điều quan trọng phải suy nghĩ là chúng ta phải làm gì để đồng bào miền núi giảm được nghèo, bớt cái khổ và không lặp lại câu chuyện đau lòng từ những thảm họa thiên nhiên như thời gian vừa qua.
Để ứng phó với thiên tai, ông bà ta ngày xưa đã tìm cách sống chung với bão như làm nhà có tường thấp, có hầm trú ẩn...; để phòng tránh lũ, bà con làm nhà ở nơi cao ráo, có sàn để đồ đạc trên cao, nhà nào cũng có ghe thuyền nhỏ để di chuyển khi cần thiết...
Những ngày bão lũ vừa qua, tình cờ tra cứu tư liệu ở tủ sách của cơ quan tôi phát hiện một cuốn sách rất hay có tựa đề “Kyojinka: Tăng cường Năng lực Quốc gia Ứng phó Thảm họa ở Nhật Bản, Châu Á và Thế giới”. Tôi liền đọc, ngẫm nghĩ và nhận ra Nhật Bản là một trong những đất nước đã và đang chịu nhiều thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, hạn hán…, đến những thảm họa do con người gây ra như nhà máy điện hạt nhân, chiến tranh... Vì vậy việc bảo vệ an toàn và tính mạng con người khỏi các thảm họa này luôn được coi là nhiệm vụ chính trị cao của những tổ chức đứng đầu Nhà nước Nhật Bản.
Ông Tsutomu Takebe, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm - Thủy sản Nhật Bản nói: “Để nhân loại chúng ta được tận hưởng các đặc ân mà thiên nhiên ban tặng, thì chúng ta phải xử sự một cách tích cực và góp phần thích ứng với những thay đổi do thiên nhiên cũng như con người đem tới để có thể sống chung một cách hòa hợp. Việc này khác hoàn toàn với việc tàn phá thiên nhiên… Khi chúng ta nghĩ rằng sự sống luôn được sinh sôi và một thời đại mới sẽ được mở ra, chắc chắn chúng ta sẽ thấy vệt sáng ở cuối đường hầm”.
Nguyên Bộ trưởng Phụ trách Phòng, chống thiên tai Nhật Bản Keiji Furuya cho rằng, các cơ quan ban ngành cần liên lạc với nhau, để làm sao có thể cung cấp cho người dân địa phương thông tin nhanh chóng và chính xác. Mặt khác, không chỉ đối với chính quyền địa phương mà ngay cả đối với người dân và các tổ chức phòng chống thiên tai địa phương cũng rất cần nâng cao ý thức về thực hiện di dời nhanh chóng.
Càng đọc cuốn sách này tôi lại càng bị cuốn hút bởi những kinh nghiệm quý giá từ đất nước Nhật Bản về cách xử lý các tình huống phòng, chống thảm họa thiên nhiên. Đó là gì? Đó là luôn thường trực tinh thần sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu nhất. Đó là việc bảo vệ tính mạng con người là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì. Đồng thời phải ưu tiên toàn bộ cho việc cứu trợ. Phải xây dựng một xã hội mạnh mẽ, quật cường không chịu khuất phục trước thiên tai và phải làm tinh thần của nhân dân trở nên kiên cường, mạnh mẽ cả ở “phần cứng” và “phần mềm” trên nguyên tắc “cẩn tắc vô ưu” và cùng nhau tiến về phía trước.
Kinh nghiệm phòng chống thiên tai từ đất nước mặt trời mọc cũng cho thấy, họ rất chú trọng đến công tác giáo dục. Giáo dục thường xuyên đối với mọi người dân, giáo dục trong nhà trường đối với học sinh, sinh viên về tình yêu thiên nhiên, về khả năng chịu đựng dẻo dai và bền bỉ đối với thiên tai; luôn nhắc nhở mọi người không được quên một sự thực hiển nhiên rằng: “Thiên nhiên rộng lớn có sức mạnh siêu việt hơn sức mạnh của con người rất nhiều”. Vì vậy, đất nước Nhật Bản đã luôn chuẩn bị nền tảng xã hội hưng thịnh, đảm bảo y tế, phúc lợi, cung cấp ổn định nguồn năng lượng, thông tin viễn thông, nhu yếu phẩm cần thiết khi phát sinh quy mô thiên tai lớn, trên tinh thần kiến tạo sự đồng thuận của toàn dân tộc.
“Sau cơn mưa trời sáng” đó là quy luật của đất trời, của tự nhiên. Từ trong thảm họa, trước những khó khăn, thách thức của đồng bào các dân tộc vùng cao lúc này, hơn lúc nào hết chúng ta phải khơi lên ngọn lửa hy vọng trong lòng mỗi người dân, cùng nắm chặt tay nhau, cùng đoàn kết tiến lên phía trước để bản làng đẹp hơn, yên bình hơn, an toàn hơn, no ấm hơn.
Những năm chiến tranh chống giặc ngoại xâm dù phải đói cơm, lạt muối, dù phải đương đầu với mưa bom, bão đạn của quân thù nhưng đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam vẫn một lòng, một dạ đi theo Đảng, Bác Hồ không một chút bi quan, sợ hãi để chiến đấu và chiến thắng.
Nên chăng, tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc…, ngoài việc tập trung an cư để bà con lạc nghiệp, tìm sinh kế bền vững lâu dài cho người dân một cách hợp lý, đảm bảo với bản sắc văn hóa của từng dân tộc và nhiều việc khác phải làm cho đời sống tinh thần tươi vui của bà con thì có thể xác định, gắn các biển di tích tại các nóc, làng đã bị sạt lở, lũ quét, qua đó giáo dục tinh thần yêu quê hương, yêu thiên nhiên; hướng dẫn những kỹ năng ứng phó với thiên tai, thảm họa; khuyến cáo mọi người trồng rừng, giữ rừng; nhân lên tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia trong cộng đồng.
Và đặc biệt, hãy trồng thật nhiều hoa nơi đây, nhất là một rừng hoa Hướng dương để hoa cùng hướng về phía mặt trời, hướng tới niềm tin, hy vọng một tương lai, một ngày mai tươi sáng; để nơi đây sẽ là một điểm đến trong bản đồ của du lịch Quảng Nam.