Khói lửa đạn bom

C.B.L 04/04/2018 08:32

Ngày 4.4 từ năm 2006 được Liên hiệp quốc đặt làm Ngày nhận thức và hỗ trợ hành động phòng chống bom mìn quốc tế.

Mấy ngày qua, các báo đưa tin nhiều hoạt động hưởng ứng ở nước ta được tổ chức và cập nhật số nạn nhân bom mình ở Việt Nam từ 1975 đến nay lên đến con số 100.000 người. Nghĩa là bình quân mỗi năm có khoảng 2.500 người thương vong vì bom mìn sót lại trên đất đai, suốt hơn 40 năm đất nước hòa bình.

“Năm 2017, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức hỗ trợ cho 151 nạn nhân với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng (chủ yếu hỗ trợ sinh kế) tại các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Trị”. Đây là con số được Báo Pháp luật thông tin.

Vì sao con người gây nên chiến tranh, có lẽ là một câu hỏi ngơ ngác và mơ mộng. Người ta chưa bao giờ nghiêm túc ngồi lại mà cắt nghĩa vì sao những phát minh khoa học thay vì phục vụ cho hạnh phúc của loài người, lại trở nên những phương tiện khủng khiếp để hủy diệt nhau.

Chiến tranh, như khái quát của lịch sử, dường như là một phương cách xếp đặt lại thế giới. Nhưng đó có thực sự là tất yếu của lịch sử hay không?

Con người sáng tạo ra thơ ca, âm nhạc và đủ các môn nghệ thuật. Con người cũng tạo ra súng đạn bom mìn, xua đẩy nhau vào những cuộc tương tàn. Như thể những ngày sống chỉ thực sự có ý nghĩa trong cuộc hùng hục chứng minh sức mạnh và lẽ phải thuộc về mình.

Có ai thử dừng lại mà nhìn vào, chẳng hạn những thân phận nạn nhân hơn 40 năm sau một cuộc chiến, khi họ phải đổ máu vì những tai nạn tình cờ, không nhân danh một lẽ phải một đức tin nào hết. Nhìn, để nhận chân được chút nào sự tàn hại và vô nghĩa của những cuộc chiến tranh? Và khởi sự xây dựng một môi trường hòa bình, cùng xoa dịu và sám hối trên những vết thương của những nạn nhân vô tội?

Cách đây vài ngày, giới mộ điệu đã tổ chức những hoạt động tưởng niệm nhân ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một chủ đề được nhắc đến nhiều, là những ca khúc phản chiến của ông, với ca từ thấm đẫm nỗi đau con người trong chiến tranh. Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh trong cơn điên cuồng mất mát, bom đạn khiến cho người chết hai lần thịt da nát tan, hay những chuyến xe vào thành phố chở từng vùng thịt xương có mẹ có em…

Trong thực tế, di họa của chiến tranh không chỉ là những “hội chứng” đọng trên tinh thần những người bước ra từ khói lửa đạn bom. Nó hiện hữu trên máu thịt những nạn nhân khắp mọi miền, qua nhiều thế hệ, nhất là ở những vùng đất từng chịu đựng sự cày xới gay gắt nhất của cuộc chiến.

Ngày giờ hiện tại, đây đó trên thế giới này, vẫn còn những cuộc chiến chưa đến hồi kết. Người ta bắn nhau vì sự chia rẽ sắc tộc, vì niềm tin tôn giáo, vì những toan tính lợi ích chính trị - kinh tế… Và bom đạn thường dội xuống đầu những con người ít liên quan đến những sự chia rẽ ấy nhất.

Những nạn nhân của bom mìn trên đất này hôm nay, đó không đơn thuần là hậu quả chiến tranh – một cụm từ nghe lạnh lùng khách quan đến sợ. Đó phải là lời kêu gọi lương tri của con người, ở bất cứ đâu trên thế giới.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khói lửa đạn bom
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO