Khơi "lửa khởi nghiệp" cho học sinh, sinh viên

VINH ANH 12/01/2023 05:00

Để biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, bên cạnh giữ lửa đam mê, học sinh, sinh viên cần tích lũy cho bản thân những “nguồn vốn” cần thiết ngay từ trên ghế nhà trường như kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ…, trước khi nghĩ đến nguồn vốn khởi nghiệp.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH

Trường Cao đẳng Quảng Nam vừa tổ chức thành công diễn đàn “Học sinh, sinh viên (HSSV) nghề Quảng Nam lập nghiệp trên nền tảng khởi nghiệp (KN) sáng tạo”. Đây là hoạt động đầu tiên do nhà trường đăng cai nhằm hưởng ứng Năm quốc gia KN - Quảng Nam 2023.

Với sự tham dự của lãnh đạo Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, các chuyên gia, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp KN và đông đảo HSSV, diễn đàn được tổ chức với mục đích khơi dậy tinh thần và phát triển ý tưởng KN đổi mới sáng tạo trong HSSV.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp

PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết, hoạt động KN sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác đào tạo nghề hiện nay.

Hưởng ứng Năm quốc gia KN - Quảng Nam 2023, ngoài tổ chức diễn đàn, Trường Cao đẳng Quảng Nam được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chọn là đơn vị đăng cai cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp 2023” (Startup Kite 2023).

Tại diễn đàn, bên cạnh những chia sẻ thú vị đến từ các chuyên gia, HSSV Trường Cao đẳng Quảng Nam được gặp và lắng nghe câu chuyện KN của những “người thật, việc thật”.

Đó là 2 chủ dự án KN đạt top 10 chương trình phát triển dự án KN quốc gia năm 2022: chị Nguyễn Như Sinh (dự án “Lá khô handmade”) và chị Lê Thị Ngọc Tầm (dự án “Nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề”).

Hành trình KN của họ đã mang lại nhiều cảm hứng cho HSSV về bài học của sự dấn thân và biến đam mê thành hiện thực.

Đó là “con đường trở về” của chị Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Nước mắm Ngọc Lan (xã Tam Thanh, Tam Kỳ), người đã quyết định nghỉ việc ở tập đoàn lớn để về quê vực dậy thương hiệu nước mắm truyền thống.

Với chị Nguyễn Như Sinh, là câu chuyện của một giáo viên âm nhạc đã biến đam mê làm đồ thủ công thành những sản phẩm KN độc đáo.

Trả lời câu hỏi của một bạn SV về động lực KN, chị Nguyễn Như Sinh chia sẻ: “Động lực chính để tôi KN là từ đam mê. Thật hạnh phúc khi thực hiện đam mê của mình để kiếm ra tiền bạc.

Để KN thành công cần có ý tưởng tốt cộng với các yếu tố về tài chính, kế hoạch…, nhưng quan trọng nhất là phải có đam mê. Các bạn SV hãy mạnh dạn biến đam mê của mình thành sản phẩm KN mang lại giá trị bản thân, gia đình, xã hội”.

Nắm được “nỗi đau” khách hàng

Với không khí sôi nổi, cởi mở, nhiều SV đã mạnh dạn đặt câu hỏi để được nghe tư vấn từ các chuyên gia KN. Bạn Mai Diệp Hương Sen, SV năm cuối ngành Dịch vụ thú y đặt câu hỏi: “Khi có ý tưởng KN, làm thế nào để biết thời điểm thích hợp đưa sản phẩm ra thị trường để được chấp nhận một cách tốt nhất?”.

Bạn Mai Diệp Hương Sen, sinh viên năm cuối ngành Dịch vụ thú y, Trường Cao đẳng Quảng Nam đặt câu hỏi giao lưu với các diễn giả. Ảnh: VINH ANH
Bạn Mai Diệp Hương Sen, sinh viên năm cuối ngành Dịch vụ thú y, Trường Cao đẳng Quảng Nam đặt câu hỏi giao lưu với các diễn giả. Ảnh: VINH ANH

Câu hỏi của Sen được các chuyên gia tại diễn đàn đánh giá thú vị, vì đây là vấn đề mà SV cần quan tâm khi KN. TS.Nguyễn Quang Như Quỳnh (Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, mỗi SV luôn có nhiều ý tưởng nhưng nhiều khi cả cuộc đời lại không có ý tưởng KN nào thành công.

Theo bà Quỳnh, muốn biết khi nào nên đưa sản phẩm KN ra thị trường thì SV cần có sản phẩm mẫu để thăm dò thị trường. Cần hoàn thành sản phẩm mẫu với tốc độ nhanh nhất để đưa ra thị trường. Bởi nếu chậm thì có thể ý tưởng của bạn sẽ có người khác làm trước. Đặc biệt, sản phẩm cần chú ý đến yếu tố “cấp bách” của thị trường.

TS.Đào Lê Hòa An đến từ TP.Hồ Chí Minh cho rằng, “cái chết” đau đớn của nhiều doanh nghiệp KN là các bạn quá tự tin với ý tưởng KN của mình. Từ ý tưởng ra sản phẩm thực tế là một quá trình và sản phẩm đó có được thị trường chấp nhận hay không lại là một vấn đề khác nữa. Do đó, ông An cho rằng, từ ý tưởng nên phát triển sản phẩm mẫu để nghiên cứu, xem phản ứng của thị trường.

“Cần xem “nỗi đau” của khách hàng là gì và tập trung giải quyết nỗi đau đó bằng sản phẩm khác biệt trên thị trường. Việc đo lường để định vị chân dung khách hàng trước khi phát triển lớn hơn là rất quan trọng. Đừng nhào vô làm lớn liền, rất nguy hiểm” - ông An đưa ra lời khuyên.

Hành trang của HSSV

Để chuẩn bị cho sự kiện này (dự kiến khai mạc vào tháng 5), nhà trường đã xây dựng Quỹ hỗ trợ KN để hỗ trợ SV. Những SV có ý tưởng, dự án KN được khoa chọn tham dự cuộc thi sẽ được hỗ trợ về kỹ năng, kinh phí để xây dựng dự án.

Sau khi tổ chức thi vòng loại cấp khoa, nhà trường sẽ tổ chức thi cấp trường theo tiêu chí hội thi toàn quốc để chọn dự án tiêu biểu tham gia Startup Kite 2023.

Theo PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh, Startup Kite 2023 dự kiến có nhiều sự thay đổi, ngoài khai mạc, vòng chung kết còn có ngày hội giới thiệu gian hàng KN trong HSSV… Điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội tốt để kết nối, giao lưu và lan tỏa KN tại Quảng Nam trong năm 2023.

Chủ đề nguồn vốn cho KN cũng được trao đổi, thảo luận sôi nổi tại diễn đàn. Ông Đào Lê Hòa An cho rằng, KN rất cô đơn, do đó mỗi SV cần biết chính xác thế mạnh và điểm yếu của mình; thiếu kỹ năng, lĩnh vực nào thì hoàn toàn có thể mời bạn bè có chuyên môn đồng hành với mình. Đặc biệt, HSSV muốn KN thành công thì cần chuẩn bị cho mình những hành trang với nhiều “nguồn vốn” khác nhau.

Liên quan đến câu chuyện gọi vốn, ông An cho rằng, việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược nhằm phát triển dự án KN rất quan trọng. Bởi nhà đầu tư chiến lược không chỉ bỏ vốn, bỏ tiền mà họ còn đồng hành để giúp dự án KN phát triển hơn. Do đó cần phải hiểu rõ “khẩu vị” của nhà đầu tư khi KN. Hãy tập trung tô đậm khía cạnh để tiếp cận, chinh phục nhà đầu tư.

Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, HSSV đam mê KN đừng nghĩ ngay đến tiền mà kiến thức mới là nguồn vốn quan trọng nhất. Kiến thức phải được tích từ nhà trường, xã hội. Tiếp đó là mối quan hệ và cuối cùng mới là tiền - vốn đầu tư KN.

“Có những người KN 0 đồng. Bởi họ có gia đình, bạn bè, nhà đầu tư… đồng hành” - ông Sinh chia sẻ.

Chị Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Nước mắm Ngọc Lan cho rằng, hiện nay HSSV có nhiều cơ hội, điều kiện tốt để KN. Do đó khi còn trên ghế nhà trường cần dành thời gian để học hỏi, phát triển mối quan hệ và mạnh dạn đưa ý tưởng, dự án KN của mình tham gia các cuộc thi KN để phát triển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi "lửa khởi nghiệp" cho học sinh, sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO