(QNO) - Nhiều tuần qua, Sydney - thành phố lớn và nổi tiếng nhất Australia bị khói mù từ các đám cháy rừng bao phủ, gióng lên hồi chuông về tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng.
Ngày 16.12, các chuyên gia y tế tại nước này lên tiếng cảnh báo Sydney đang phải đối mặt với “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” do khói từ các đám cháy rừng lan rộng ở bang New South Wales.
Các bệnh viện tại Sydney báo cáo sự gia tăng đột biến bệnh nhân liên quan đến các căn bệnh đường hô hấp vì bụi khói như đau mắt, mũi và cổ họng. Những người có tiền sử về bệnh tật, trẻ nhỏ và người già “có nguy cơ đặc biệt”.
Thống kê cho thấy hàng trăm vụ cháy rừng do biến đổi khí hậu đã và đang hoành hành trên khắp Australia trong nhiều tháng qua khiến nhiều người thiệt mạng, hàng trăm nghìn héc ta rừng bị thiêu rụi.
Hiện tượng cháy rừng vẫn phổ biến ở Australia nhưng năm nay xảy ra sớm hơn bình thường do điều kiện thời tiết khô hạn cực đoan kéo dài, nhiệt độ thường xuyên cao hơn 40 độ C.
Chỉ trong đêm 15.12, lính cứu hỏa nỗ lực ngăn chặn ngọn lửa khổng lồ bùng cháy ở phía bắc Sydney, phá hủy khoảng 20 ngôi nhà và đang lan nhanh, đe dọa các thị trấn ở Perth - thủ phủ và là thành phố lớn nhất của bang Tây Australia.
Khói từ đám cháy rừng khiến chất lượng không khí xuống mức tồi tệ ảnh hưởng đến sức khỏe cho người dân ở Sydney - đo được gấp 11 lần mức “nguy hiểm” ở một số khu vực của thành phố.
Hơn 20 nhóm các chuyên gia y tế bao gồm 25.000 bác sĩ và thực tập sinh tại đại học chuyên khoa của Hoàng gia Australia đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Australia giải quyết ô nhiễm không khí độc hại này tại Sydney - thủ phủ của tiểu bang New South Wales.
Tuyên bố cũng nêu rõ: “Tình trạng ô nhiễm không khí do cháy rừng sẽ ngày càng thường xuyên hơn và là kết quả của biến đổi khí hậu. Chính phủ chúng ta phải hành động nhanh chóng để giảm lượng khí thải nhà kính, mà chúng ta biết nó đang thúc đẩy biến đổi khí hậu”.
Vào ngày 21.11, Thủ tướng Australia Scott Morrison bác bỏ ý kiến cho rằng chính sách về khí hậu của chính quyền là nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy rừng chưa từng có trong lịch sử đang xảy ra tại nước này.
Trước đó là vào tháng 8, lần đầu tiên trong lịch sử Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, Australia rút khỏi cam kết khu vực Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, dữ liệu chính thức cho thấy năm 2019 đang là một trong những năm nóng nhất và khô hạn nhất ở Australia. Các nhân viên cứu hỏa nói rằng công việc ngăn chặn các đám cháy lớn rất khó khăn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Cứ 9/10 người trên toàn thế giới đang phải hít không khí ô nhiễm và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.