Nhiều thanh niên trẻ ở thị xã Điện Bàn đã về quê… làm nông dân với quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ.
Sinh ra từ làng và hiểu rõ về sản phẩm nông nghiệp, Nguyễn Tấn Pháp là một trong nhóm bạn gồm hơn 10 người tuổi đời chưa đến 30 tại xã Điện Phong đã mở lối đi cho mình bằng mô hình rau hữu cơ. Với slogan “Rau Gò Nổi - Sạch từ tâm”, nhóm bạn trẻ về vùng đất bãi bồi thôn Tân Thành chỉ vì niềm đam mê nông nghiệp sạch và khát vọng làm giàu trên quê hương. Anh Nguyễn Tấn Pháp chia sẻ: “Nhức nhối trước tình trạng thực phẩm bẩn bày bán tràn lan, mình quyết định làm nông nghiệp sạch để mang sản phẩm rau sạch, chất lượng đến người tiêu dùng”. Trên diện tích 3ha đất được thuê lại, họ gieo trồng bí đỏ, xà lách, rau cải… sẵn sàng cung ứng theo yêu cầu. Hàng tuần, các thành viên họp lại cùng phân tích thị trường, nêu ý tưởng sản xuất, kinh doanh mới. Cứ như thế, đam mê “thấm” vào các bạn, mặc dù khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng và với thanh niên nông thôn, hành trình khởi nghiệp luôn đặt ra không ít thử thách, nhất là vốn liếng. Mỗi ngày thu hoạch khoảng 100kg rau quả hữu cơ đã được cung cấp ra thị trường (chủ yếu TP.Đà Nẵng), mang lại doanh thu khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Sau 10 năm bon chen ở thị thành, Hồ Công Thái (xã Điện Tiến) trở về làng, rồi chọn mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh. Với số vốn ban đầu bỏ ra gần 800 triệu đồng, anh bắt tay trồng rau sạch. Mày mò tìm hiểu kỹ thuật trên mạng và đi tham quan học tập kinh nghiệm, tháng 4.2017, trang trại theo phương pháp thủy canh đầu tiên ở Điện Bàn chính thức ra đời. So với trồng rau truyền thống, phương pháp thủy canh giúp tiết kiệm đất và diện tích dựa vào việc sắp xếp các kệ trồng, đặc biệt giúp rau cách ly với nguồn sâu bệnh, nguồn nước ô nhiễm thông qua phương pháp thủy canh hồi lưu. “Do người tiêu dùng còn bỡ ngỡ, nên bước đầu mình gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Giờ khác rồi, một ngày cơ sở xuất ra thị trường 150kg rau gồm xà lách, cải, rau muống” - anh Thái tâm sự. Thời gian đến, trang trại sẽ mở rộng thêm diện tích từ 1.000 - 2.000m2 và Hồ Công Thái mong muốn sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ cũng như vốn vay với lãi suất ưu đãi về nông nghiệp công nghệ cao.
Lựa chọn nông nghiệp hữu cơ để khởi nghiệp là hướng đi mà Phát, Thái và Sương (Bùi Thị Thanh Sương ở phường Điện Ngọc, Báo Quảng Nam đã phản ánh) đã lựa chọn. Điều đó cho thấy niềm đam mê, tình yêu với đồng đất và hơn thế là khát vọng làm giàu ngay quê nhà luôn cháy bỏng. Bí thư Thị đoàn Điện Bàn - chị Đặng Thị Bảo Trinh cho biết, thị xã sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp. Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ cho các dự án lớn có tính khả thi, tổ chức tư vấn cho bạn trẻ những hướng đi mới phù hợp.
CÔNG THÀNH - THU HẰNG