Khởi nghiệp ở vùng biên

PHẠM NGỌC SINH 10/11/2023 09:48

Khởi nghiệp đã khó, càng khó hơn đối với vùng núi cao và vùng biên. Quảng Nam giáp Lào với đường biên giới dài gần 150km - nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ý chí thoát nghèo vươn lên từ những sản vật núi rừng đang là nguồn cảm hứng mạnh mẽ.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại vườn cam ở Tây Giang. Ảnh: CTV
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại vườn cam ở Tây Giang. Ảnh: CTV

Sản phẩm rừng xanh rau sạch

Mang đến Chương trình tài năng khởi nghiệp xứ Quảng 2023, chị Koor Thị Nghệ (Xã Gari, Tây Giang) “trình làng” nhiều loại hoa màu, cây trái đậm chất núi rừng. Câu chuyện khởi nghiệp của Koor Thị Nghệ không lạ, có phần rất cổ kiểu “buôn nguồn” tự ngày xưa, nhưng lại nắm bắt đúng nhu cầu, thị hiếu và nỗi trăn trở của khách hàng, nhất là khách hàng vùng xuôi.

Cũng tại xã Gari, Riah Dung - một cán bộ đoàn có giọng hát vút cao như chim rừng khát khao đưa trái cam bản địa ra thị trường. Chỉ sau 3 năm, từ dự án khởi nghiệp của Riah Dung, thương hiệu cam Gari đã phủ sóng thị trường các thành phố, nhãn hiệu tập thể được phát triển, thương hiệu được xây dựng. Riah Dung có một khát vọng và nhiều lần tâm sự là mình muốn làm giàu để bà con làm theo.

Từ khát vọng vươn lên, hình thành sản phẩm mới vùng núi bằng chính cách này, chỉ trong năm 2023, Tây Giang có 6 sản phẩm đăng ký Chương trình OCOP gồm sâm hầm gà, cao đảng sâm, du lịch cộng đồng - sinh thái rừng, muối ớt tiêu rừng, măng khô sấy, uối ớt mắc kén.

Đông Giang có hơn 15 sản phẩm, trong đó có sản phẩm đạt OCOP 4 sao (chè dây Ra Zéh) và 5 sản phẩm đạt 3 sao (chè dây hoa hồng, trà xanh Quyết Thắng, rượu tà vạc Đông Giang, mâm mây Bhơ Hôồng, túi xách thổ cẩm) và Đông Giang hướng đến năm 2025 có khoảng 25 sản phẩm OCOP và phát triển từ 1 - 2 điểm bán hàng OCOP gắn với các dự án du lịch của huyện.

Điều đáng quý của sản phẩm khởi nghiệp vùng biên Quảng Nam là hầu như tất cả ý tưởng, dự án đều hướng đến khai thác thế mạnh tài nguyên bản địa và phát huy tối đa tri thức bản địa trong từng sản phẩm, xem đó là lợi thế so sánh để phát triển.

Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng khởi nghiệp để hướng đến phát triển sản phẩm chuẩn của miền núi, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phải mang sản phẩm núi rừng chất lượng đến với người tiêu dùng, nhất là vùng thành thị, đồng bằng.

Nâng cấp sản phẩm địa phương không chỉ trong nước mà còn hướng đến toàn cầu. Anh Phạm Văn Hoàng (xã Gari), Trưởng nhóm dự án Forest Foods đạt TOP 3 Chương trình sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu năm 2023 do Trường Đại học Ngoại thương – SBC Việt Nam HUB tổ chức. Đây cũng là những điểm nhấn của khởi nghiệp ở vùng biên.

Mong chờ lễ hội ba kích

Nếu như vùng núi cao phía nam Quảng Nam hội đủ sản phẩm “sâm - nhung - quế - phụ” thì vùng núi cao phía bắc được mệnh danh là thủ phủ ba kích cùng với các dòng dược liệu quý giá khác.

Ba kích là một cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao, đã được gây trồng và phát triển nhiều ở Tây Giang, Đông Giang và mới đây, phát hiện cả rừng ở Phước Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá đây là rừng ba kích cổ lớn nhất Quảng Nam và chỉ đạo “bảo vệ nghiêm ngặt, xác lập khu bảo tồn gen gốc ba kích đặc hữu”.

Từ cây ba kích, rất nhiều sản phẩm được hình thành và phát triển mạnh trên thị trường hiện nay. Có thể nói cây ba kích góp phần thay đổi đời sống đồng bào vùng cao phía bắc Quảng Nam giống như sâm Ngọc Linh ở vùng cao nam Quảng Nam; được mệnh danh là “cây xóa đói giảm nghèo” vùng đồng bào Cơ Tu.

Từ giá trị của cây ba kích cùng sự phát triển các khu du lịch, sự kết nối giao thương và mở rộng thị trường..., việc tổ chức một lễ hội ba kích sẽ đáp ứng niềm mong chờ của nhân dân. Lễ hội ba kích cần được nhìn nhận như một sự sáng tạo đa ngành, trong đó kết hợp văn hóa với sản vật địa phương.

Từ năm 2020, khi khảo sát vùng ba kích Tây Giang, ngành chuyên môn đã khuyến nghị với chính quyền về một lễ hội đặc sắc vùng biên này. Ông Briu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng lễ hội ba kích là điều nên làm, song vấn đề quan trọng hiện nay là các ngành cấp tỉnh tập trung phát triển nguồn nguyên liệu mạnh mẽ hơn, có tính bền vững. Đó là nền tảng để tổ chức lễ hội.

Ông Đỗ Tài – Bí thư Huyện ủy Đông Giang nêu quan điểm: diện tích và kinh nghiệm trồng, phát triển ba kích của dân là rất lớn. Vấn đề quan trọng hiện nay là kết nối để có doanh nghiệp phát triển chuyên sâu, đa dạng từ cây ba kích.

Đồng thời với đó là việc tổ chức lễ hội ba kích như là giải pháp gia tăng giá trị và thương mại hóa sản phẩm mạnh mẽ hơn, không chỉ ba kích mà cả vùng dược liệu thế mạnh nơi đây. Huyện mong muốn có nhà đầu tư chế biến sâu sản phẩm ba kích và dược liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp ở vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO