(QNO) - Nhằm giúp nông dân Indonesia hưởng lợi xứng đáng với công sức họ đầu tư trên cánh đồng, xu hướng khởi nghiệp từ trang trại đến bàn ăn đang phát triển tại quốc gia Đông Nam Á này.
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có 422 triệu nông dân tham gia sản xuất và canh tác. Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó là những người sản xuất quy mô nhỏ.
Tại Indonesia, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng lên trong những thập kỷ qua, hiện chiếm 32% tổng diện tích đất của nước này. Nông nghiệp chiếm 14% GDP và tạo ra nguồn việc làm lớn thứ hai tại xứ vạn đảo.
Tuy nhiên, đời sống của nông dân, đặc biệt là những hộ sản xuất tại Indonesia cũng như tại nhiều quốc gia khác vẫn còn rất nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Người nông dân khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư để gia tăng năng suất, chất lượng nông sản, đa dạng hóa cây trồng. Nông sản của họ cũng rất khó tiếp cận thị trường, tình trạng nông sản bị ép giá diễn ra thường xuyên.
Khởi nghiệp “từ trang trại đến bàn ăn” là chuỗi giá trị sản xuất bền vững, thân thiện môi trường nhằm cung ứng thực phẩm sạch vì sức khỏe của người tiêu dùng, gia tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm, cải thiện đáng kể thu nhập của nhà nông nói riêng và nền nông nghiệp nói chung.
Xu hướng khởi nghiệp từ nông trại đến bàn ăn vì thế đang phát triển ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại Indonesia. Trong đó, công nghệ nông nghiệp là một trong những cơ hội lớn nhất cho đổi mới khởi nghiệp trong khu vực.
Được thành lập vào năm 2016, Sayurbox là một nền tảng phân phối sản phẩm tươi được hỗ trợ công nghệ có trụ sở tại Indonesia. Khách hàng của Sayurbox có thể đặt hàng các sản phẩm tươi hữu cơ, thủy canh. Sayurbox đứng ra trực tiếp thu mua nông sản từ nhà sản xuất. Qua đó giúp nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường, giảm được nhiều chi phí trung gian, tăng thu nhập.
Amanda Susanti - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Sayurbox cho biết, Sayurbox thực hiện gắn thẻ truy xuất nguồn gốc cho mỗi mặt hàng nông sản, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất và cả Sayurbox.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp iGrow ra đời cách đây 5 năm, là nền tảng cung cấp quyền kiểm soát của người tiêu dùng đối với sản phẩm của họ. iGrow hiện được đánh giá là một trong những khởi nghiệp nông nghiệp rất thành công nhất tại Đông Nam Á.
iGrow tập hợp các hộ nông dân có sẵn đất mà băn khoăn không biết trồng gì, kết nối họ với người tiêu dùng có nhu cầu đầu tư trồng rau củ, cây ăn trái lâu dài. Người tiêu dùng chọn lựa hạt giống, cây giống từ iGrow để đầu tư.
Người nông dân sau khi nhận được tiền đầu tư sẽ canh tác theo quy trình yêu cầu của iGrow nhằm đạt chất lượng cùng sản lượng. Sau khi thu hoạch, người tiêu dùng hay nhà đầu tư đó có thể trích ra sử dụng cho nhu cầu gia đinh, phần còn lại sẽ được iGrow hỗ trợ bán và tiền thu trả về người tiêu dùng đã đầu tư.
Kedai Sayur - công ty khởi nghiệp trao quyền cho những người bán hàng rong với các mặt hàng nông sản sạch, chất lượng (như các loại rau quả, thịt, cá) bằng cách kết nối họ với một mạng lưới các nhà phân phối sản phẩm hàng ngày.
Mô hình từ trang trại đến bàn ăn của Tanigroup với nền tảng thương mại điện tử tương tác theo phương thức doanh nghiệp với doanh nghiệp TaniHub, kết nối nông dân trực tiếp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty khởi nghiệp công nghệ cao hiện làm việc với hơn 25.000 nông dân ở Indonesia để mang giá cả công bằng, tốt hơn cho vụ mùa của họ.