Khởi nghiệp từ cây lòn bon bản địa

ĐĂNG NGUYÊN 06/05/2022 07:56

Sau thời gian trồng và chăm sóc, nhiều vườn cây lòn bon của cộng đồng tại xã Tà Pơơ (Nam Giang) đã cho thu hoạch, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình thanh niên miền núi.

Từ mô hình lòn bon, mỗi năm Blúp Yêu (bên phải) có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Từ mô hình lòn bon, mỗi năm Blúp Yêu (bên phải) có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Anh Bling Ưi - Bí thư Đoàn xã Tà Pơơ cho biết, tại địa phương, nhiều vườn lòn bon có tuổi đời hàng chục năm đang được cộng đồng gìn giữ, bảo vệ. Trong số đó, nhiều vườn cây do các nhóm hộ thanh niên nhận quản lý và chăm sóc theo phương thức “trao tay” từ nhiều thế hệ trong gia đình.

Vài năm trở lại đây, hàng loạt cây lòn bon tại các vườn cho ra trái, trung bình mỗi cây 120 - 300kg/mùa. Đây được xem là thành quả sau nhiều năm tham gia trồng, chăm sóc của cộng đồng địa phương với loại sản vật do thiên nhiên ban tặng.

Từng là một trong số hộ thanh niên khó khăn, Blúp Yêu (một thanh niên địa phương) cho biết, sau thời gian nhận quản lý, chăm sóc vườn lòn bon từ người thân, mỗi năm vợ chồng anh có thêm thu nhập 40 - 45 triệu đồng từ việc thu hoạch cây bản địa này. Do vườn cây lòn bon trồng gần nhà, nên rất thuận lợi trong việc thu hoạch cũng như bảo vệ, chăm sóc.

Năm ngoái, từ sự khuyến khích của địa phương, Blúp Yêu mở rộng diện tích trồng lòn bon, đồng thời xen ghép thêm các loại cây ăn quả khác, xem đó như “của để dành”. Sau các đợt thu hoạch lòn bon và mô hình sinh kế dưới tán rừng, cuộc sống của gia đình Blúp Yêu dần ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Người dân Tà Pơơ chọn lựa trái bòn bon sau thu hoạch, chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Người dân Tà Pơơ chọn lựa trái bòn bon sau thu hoạch, chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Theo anh Bling Ưi, toàn xã Tà Pơơ có khoảng 70% hộ gia đình trồng cây lòn bon bản địa với hơn 15ha, chủ yếu ở thôn Vinh và Pà Tốih. Trong đó, có hơn 120 hộ thanh niên trực tiếp tham gia chăm sóc, thu hoạch và đó là một nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Những năm gần đây, cùng với việc duy trì bảo vệ, chăm sóc vườn cây hàng chục năm tuổi, nhiều hộ thanh niên còn nỗ lực mở rộng diện tích trồng mới, giúp vườn cây lòn bon tăng thêm theo từng năm.

“Lòn bon Tà Pơơ có vị ngọt thanh rất đặc trưng nên được thương lái ưa chuộng, trung bình giá bán tại chỗ 25 - 30 nghìn đồng/kg. Từ mô hình vườn cây lòn bon này, nhiều hộ thanh niên có thêm thu nhập thời vụ khá ổn định, tiêu biểu như hộ Blúp Yêu, Coor Dế (thôn Pà Tốih); Alung Trung, Cha Prăng Ngao (thôn Vinh)…, trung bình mỗi năm hàng chục triệu đồng” - anh Bling Ưi chia sẻ.

Bí thư Huyện đoàn Nam Giang Bùi Thế Anh cho hay, trong định hướng của phong trào thanh niên, địa phương khuyến khích việc mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp dưới tán rừng. Đây được xem là cơ hội nhằm thúc đẩy các nhóm giải pháp đồng hành giúp thanh niên khởi nghiệp bằng sản vật sẵn có của vùng.

“Lòn bon với lợi thế dễ trồng và ít tốn kém công sức, chi phí, chỉ sau một thời gian bảo vệ và chăm sóc có thể cho sản lượng trái khá lớn, đem lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, lòn bon cũng cho thấy quá trình sinh trưởng tự nhiên rất tốt, do vậy, gần như năm nào đều cho mùa thu hoạch bội thu.

Từ hiệu quả bước đầu này, thời gian đến, chúng tôi sẽ khảo sát và nhân rộng mô hình trồng cây lòn bon tại một số địa phương khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, từng bước góp sức cho mục tiêu xây dựng thương hiệu lòn bon Nam Giang” - anh Thế Anh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp từ cây lòn bon bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO