Khởi nghiệp từ đặc sản miền núi

ALĂNG NGƯỚC 21/08/2017 08:46

“Hồi đó, mình mua ít củ ka kun về ngâm rượu uống thử, ai ngờ được nhiều người khen ngon. Từ đó mình nghĩ, tại sao không đưa sản phẩm này ra thị trường, biết đâu lại được” - Thảo nói về cơ duyên khởi nghiệp từ sản vật miền núi của mình.

Chị Thảo bên gian hàng trưng bày tại hội chợ triển lãm ngày hội cây nêu được tổ chức tại Tây Giang vào tháng 6.2017. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chị Thảo bên gian hàng trưng bày tại hội chợ triển lãm ngày hội cây nêu được tổ chức tại Tây Giang vào tháng 6.2017. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Với Thảo, câu chuyện khởi nghiệp và thành công bước đầu từ các đặc sản miền núi như một giấc mơ cho hành trình dài ngược xuôi tìm kiếm sản phẩm chất lượng, ổn định đầu ra cho thị trường. Chỉ sau hai năm, bằng công sức và sự sáng tạo đã giúp Nguyễn Thị Thảo cho ra đời cơ sở sản xuất riêng mang tên Thu Thảo, cùng nhiều dự định tương lai từ sản vật miền núi Đông Giang để khởi nghiệp, làm giàu.

1. Tôi bước vào căn nhà của Thảo, tại thôn Chờ Ke (thị trấn Prao, huyện Đông Giang), nơi Thảo đặt cơ sở sản xuất của mình. Những gian hàng ngay ngắn chất đầy sản phẩm từ rượu, măng rừng khô cho đến tiêu rừng, nấm lim xanh… Tất cả đều là đặc sản của núi rừng được Thảo thu mua từ đồng bào địa phương. Thảo nói đây là cả gia tài của chị. Vốn liếng bỏ ra gần cả 200 triệu đồng từ vay ngân hàng, bạn bè và dành dụm của gia đình để gầy dựng nên cơ sở này. “Mọi thứ chừ cũng tạm ổn, sản phẩm của mình cũng dần được nhiều người biết đến” - Thảo chia sẻ. Cuộc trò chuyện tạm ngắt khi có cuộc điện thoại gọi đến. “Một khách quen ở TP.Đà Nẵng hỏi đường lên đây để mua sản phẩm. Họ dùng một lần hồi đợt mình mang xuống trưng bày tại lễ hội văn hóa của xã Phú Túc, huyện Hòa Vang cách đây mấy tháng” - Thảo nói trong niềm vui. Phía dưới sân, vài người nhà của chị cùng nhau phân loại từng trái ớt, chuẩn bị cho công đoạn sơ chế, đóng hộp.

Thảo nói, chính chị cũng không thể ngờ rằng mình có thể làm được nhiều việc như bây giờ. Là bởi, hơn 2 năm trước, từ việc bán sản phẩm rượu nhỏ lẻ, nay chị đã mở rộng và phát triển thành cơ sở sản xuất được nhiều người ưa chuộng, tin dùng. “Ban đầu là những khách quen trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận, đặt mua làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Dần dà, các sản phẩm của mình trở thành thương hiệu, cung ứng cho các sự kiện của địa phương làm quà biếu khách và mở rộng được thêm thị trường tiêu thụ sang tận nhiều tỉnh thành, từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, cho đến Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh” - Thảo cho biết. Tôi nhận ra người phụ nữ nhỏ nhắn đang ngồi trước mặt mình rất có tâm huyết với đặc sản núi rừng hơn những gì đã được nghe trước đó, về Thảo. Những cuộc lặn lội vượt rừng về với bản làng vùng cao để tìm mua sản vật địa phương, rồi mày mò nghiên cứu, tham khảo để đưa sản phẩm mới đến với thị trường, với Thảo là niềm đam mê và cách để khởi nghiệp sáng tạo ở vùng đất đầy nắng gió này. Thảo nhiệt tình với khách. Hễ ai đặt hàng, chị cũng đều chuyển về tận nơi, hoặc là bằng những chuyến xe đường dài, hoặc là bằng bưu điện, đường hàng không, tạo thêm các mối làm ăn mới uy tín, lâu dài.

2. Đã có lúc Thảo muốn bỏ cuộc, vì khó khăn cho đầu ra của sản phẩm rượu, nhất là sau những vụ ngộ độc xảy ra tại một số địa phương. Thảo quay sang “bù lỗ” từ các mặt hàng nông sản đặc trưng của vùng. Bắt đầu từ ớt ariêu, chè dây razéh - những đặc sản của vùng, lần lượt được Thảo mang xuống phố, ngược lên vùng cao để quảng bá, “thăm dò” khách hàng. Cứ sau mỗi lần như thế, chị lại mở rộng thêm một vài đặc sản mới, phục vụ nhu cầu của khách. Chỉ hơn hai năm, đã có hàng chục sản vật được Thảo đưa ra thị trường. Khách hàng tin dùng, tiếp thêm động lực mới để Thảo phát triển thêm cơ sở của mình. Tháng 5.2017, các sản phẩm của Thảo được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế) xác nhận công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm, mở ra cơ hội giúp Thảo tiếp tục đẩy mạnh lựa chọn đưa các sản vật mới đến với khách hàng gần xa. “Chừ thì mình đã trả gần một nửa số vốn vay ngân hàng rồi và dự định sẽ mở thêm các đại lý nhỏ ở một số khu vực lân cận để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng” - Thảo tâm sự, rồi tất bật đón một đoàn du khách ghé mua sản phẩm sau cuộc hẹn trước đó.

Từ uy tín về chất lượng sản phẩm, Thảo giữ được khách hàng của mình. Vì thế, tại các hội chợ triển lãm được tổ chức ở trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm của Thảo luôn thu hút người mua. Cơ sở sản xuất của chị cũng luôn được huyện Đông Giang chọn làm sản vật đặc trưng tiêu biểu đại diện cho địa phương tham gia trưng bày, triển lãm phục vụ nhu cầu của khách hàng mỗi khi diễn ra các sự kiện lễ hội lớn nhỏ. Cơ hội quảng bá sản phẩm từ đó cũng dần được mở mang hơn với người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm, cộng với đặc trưng sản vật của vùng chính là lựa chọn của nhiều khách hàng khi đặt mua sản phẩm từ cơ sở sản xuất Thu Thảo. “Trước mắt, công việc sơ chế, đóng gói sản phẩm tại cơ sở đều do người thân trong gia đình làm. Sau này, khi cơ sở lớn mạnh hơn, mình sẽ tính đến việc sử dụng nhân công tại địa phương, tạo điều kiện giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống” - Thảo bộc bạch. Ngoài hiên, từng tấm bạt được trải ngay ngắn, làm nơi để phơi khô các sản vật vừa mới được Thảo thu mua từ người dân địa phương mang về, thoang thoảng mùi hương.

3. Thảo lại có cuộc điện thoại. Lần này, không phải khách hàng ghé mua sản phẩm mà là một thương gia dưới TP.Đà Nẵng đề nghị hợp tác, trở thành đại lý độc quyền sản phẩm. Thảo thông tin ngắn gọn, rồi vội vã mang thùng hàng để kịp gửi chuyến xe về xuôi…

ALĂNG NGƯỚC

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP – SÁNG TẠO”

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp từ đặc sản miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO