Xây dựng xưởng chế biến gỗ pallet từ nguyên liệu gỗ keo lâu năm ở Đại Lộc và các vùng lân cận; rồi tận dụng nguyên liệu mùn cưa có sẵn tại xưởng gỗ để làm giá thể trồng nấm sò... là hướng đi đầy triển vọng của mô hình khởi nghiệp mà anh Nguyễn Anh Tuấn đeo đuổi.
Tiềm năng từ gỗ pallet
Vất vả với đủ nghề nhưng cũng chỉ hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Anh Tuấn (Đại Hiệp, Đại Lộc) làm lại từ đầu bằng nghề chế biến gỗ ở quê mình. Năm 2017, anh tìm hiểu nhu cầu thị trường về ngành chế biến gỗ dân dụng, rồi dựa vào nguồn nguyên liệu gỗ keo lá tràm dồi dào trên địa bàn huyện, anh mạnh dạn đầu tư xưởng gỗ pallet rộng 4.000m2 tại thôn Phú Quý. HTX Tân Phú Quý do anh và một vài thành viên lập nên cũng ra đời ở thời điểm này. Tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp từ Liên minh HTX Quảng Nam, anh Tuấn đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng làm nhà xưởng, xây dựng cơ sở sản xuất, máy móc, thiết bị chế biến gỗ pallet.
Gỗ pallet được các doanh nghiệp đặt hàng chủ yếu làm kệ kê hàng hóa giúp quá trình vận chuyển dễ dàng và thuận lợi hơn. Do mới ra đời 2 năm, tiềm lực chưa mạnh nên anh Tuấn chưa thể mở rộng thị trường, ký kết hợp đồng với nhiều đối tác. “HTX đang trên đà mở rộng nhà xưởng, nâng quy mô sản xuất. Ra đời không lâu, tiềm lực chưa mạnh, song xưởng gỗ của HTX góp phần tiêu thụ gỗ keo cho nông dân Đại Lộc với trữ lượng hàng trăm tấn/năm. HTX trực tiếp thu mua keo của các chủ rừng và cung ứng gỗ pallet trực tiếp cho các doanh nghiệp, không qua trung gian nên giá sản phẩm có phần “mềm” hơn thị trường. Dù lợi nhuận ban đầu từ sản phẩm gỗ pallet chưa nhiều, nhưng việc tận dụng thêm các sản phẩm phụ như bột cưa (mùn cưa), dăm gỗ, củi làm chất đốt, HTX vẫn có thể đảm bảo lợi nhuận mỗi năm 700 - 800 triệu đồng. Chỉ 2 năm, tôi đã có thể trả lãi và gốc cho Liên minh HTX hơn 500 triệu đồng” - anh Tuấn chia sẻ.
Xây dựng thương hiệu nấm sò
Nguyên liệu bột cưa từ xưởng gỗ pallet thay vì xuất bán, anh Tuấn và các thành viên của HTX sử dụng để trồng nấm sò tím. Đi nhiều nơi học hỏi kỹ thuật trồng nấm sò, được Sở KH&CN chuyển giao công nghệ trồng nấm an toàn và cung ứng nguồn giống, anh Tuấn đầu tư thêm nhà xưởng trồng nấm nằm trong khuôn viên của HTX rộng 600m2. Nấm sò được trồng trong nhà lưới khép kín, có hệ thống tăng nhiệt độ lên 240C ở thời điểm rét lạnh và hệ thống phun sương, làm mát cơ sở sản xuất vào thời điểm nắng hạn gay gắt. Giá nấm tươi HTX cung ứng ra thị trường là 45.000 đồng/kg, chủ yếu bỏ mối cho một hợp tác xã ở Đà Nẵng để đơn vị này đưa đi các nhà hàng, siêu thị. HTX Tân Phú Quý còn liên kết sản xuất với 5 hộ dân Đại Lộc. HTX tiếp nhận giống, phôi nấm từ đơn vị chuyển giao công nghệ và giống để cấy vào các bịch giá thể gồm mùn cưa trộn bột bắp, trấu đã được hấp tiệt trùng kỹ. Phôi nấm sau khi cấy vào các bịch giá thể thành công được giao lại cho các hộ trồng nấm và HTX thu mua lại nấm. Phần nhà trồng nấm của HTX thu được 30 - 50kg nấm, cùng với hơn 50kg của các hộ liên kết, anh Tuấn cung ứng từ 70 - 100kg nấm ra thị trường, cho tổng thu nhập 3 - 4 triệu đồng/ngày, riêng phần HTX hơn 1 - 2 triệu đồng/ngày.
“Nguồn giá thể hiện còn rất nhiều, HTX cũng đang tính hướng tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Sở KH&CN để đầu tư một khu trồng nấm linh chi từ giá thể mùn cưa. Nấm linh chi phơi khô, xắt lát, sấy khô, bảo quản trong bao bì có hút ẩm chân không hay sản phẩm nấm sò tươi sơ chế, sấy khô, đóng gói cũng sẽ là sản phẩm đặc trưng của HTX” - anh Tuấn chia sẻ. HTX Tân Phú Quý đã được Liên minh HTX Quảng Nam hỗ trợ xây dựng tường rào, cổng ngõ nhà xưởng và nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp. Hai năm qua, HTX Tân Phú Quý được hỗ trợ hơn 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ từ chương trình OCOP. Huyện Đại Lộc đã và đang hỗ trợ HTX các khâu xây dựng hồ sơ, thủ tục, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất an toàn và các thủ tục liên quan, hỗ trợ HTX các khâu, thủ tục đăng ký tham gia cuộc thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019. Hy vọng không xa, “nấm sò Đại Lộc” (nấm tươi), sản phẩm nấm sò sấy khô, và các sản phẩm phụ như nấm linh chi khô, trà nấm linh chi sẽ có mặt trên thị trường.