Khởi nghiệp, nhanh chóng thành công và cũng nhanh chóng thất bại. Phải đến lần “khởi nghiệp” thứ 3, thành công thật sự mới đến với chàng trai quê Quảng Nam: Đỗ Thanh Tịnh - Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Tứ Hưng và là Trưởng ban kết nối Speed up Việt Nam (cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam).
Có cảm giác, thất bại không làm Đỗ Thanh Tịnh nản chí. Trái lại, với anh, thất bại chỉ là thử thách. Bằng chứng là anh đã đứng lên, đứng vững sau 2 lần trắng tay và nợ nần.
Thành công từ…thất bại
Năm 2000, sau khi trượt đại học, từ quê nhà Tam Kỳ, Đỗ Thanh Tịnh (sinh năm 1982) khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh để vừa làm thêm, vừa ôn thi lại. Nhưng 2 tháng sau đó, Tịnh nhận được tin trúng tuyển nguyện vọng 2 vào hệ cao đẳng ngành phát hành sách Trường Cao đẳng Văn hóa TP.Hồ Chí Minh. Vậy là nhập học luôn. Những năm tháng sinh viên, Tịnh là cán bộ Đoàn trường năng nổ. Anh vừa học vừa làm, hàng ngày ngoài giờ lên giảng đường thì đi làm tiếp thị. Học ngành văn hóa nhưng lại có máu kinh doanh, và chính nhờ công việc tiếp thị mà sau này, Tịnh sớm thâm nhập thị trường và dấn thân vào con đường kinh doanh.
Chân dung Đỗ Thanh Tịnh. |
Sau khi tốt nghiệp, Tịnh xin làm nhân viên bán sách nhưng rồi chưa hài lòng với công việc, anh xin vào làm ở phòng kinh doanh của một công ty sách khác. Tại đây, anh bắt đầu tìm hiểu thị trường và nung nấu khát vọng làm giàu. Ấy là vào năm 2005, với 3 triệu đồng xin được từ gia đình và mượn bạn bè, Tịnh quyết định mở cửa hàng kinh doanh. Lúc này anh nhận thấy thị trường sách thiếu nhi dường như bị bỏ ngỏ nên quyết định “lấp khoảng trống”. Cửa hàng đầu tiên của anh mở ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh. “Những ngày đầu tôi phải đạp xe giao báo tận nhà để có tiền duy trì cửa hàng sách, vừa để nuôi sống bản thân và trả lương cho nhân viên. Tôi lang thang mọi ngóc ngách của Sài Gòn để tìm các đại lý bán báo và sách thiếu nhi. Nhờ chiến lược “giao hàng nhanh” nên tôi nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường TP.Hồ Chí Minh. Bởi bấy giờ chưa có ai giao sách báo tận nhà mà chủ yếu bán sách báo tại chỗ. Coi như hồi đó mình ước mơ trở thành “ông chủ” đã từng bước hé mở...” - Tịnh chia sẻ. “Thừa thắng xông lên”, năm 2008, Tịnh quyết định “ra biển lớn” bằng việc liên kết với các nhà xuất bản phát hành sách thiếu nhi. Nhưng do nóng vội, chưa nắm được quy luật thị trường nên công ty do anh làm chủ nhanh chóng phá sản. “Tài sản” còn lại của công ty sau một năm kinh doanh là gần 20 nghìn cuốn sách tồn kho và số nợ 300 triệu đồng!
Đỗ Thanh Tịnh chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp với người trẻ ngày 5.3 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Có nợ thì phải trả nợ. Mà muốn trả nợ thì phải làm ra tiền. Vậy là Tịnh quyết định khởi nghiệp lần thứ hai, từ nợ nần. Lần này Tịnh vay mượn gia đình và chuyển sang kinh doanh điện máy. Lúc đầu, công việc kinh doanh của anh có vẻ thuận buồm xuôi gió, doanh thu tăng theo từng tháng. Chuỗi 12 cửa hàng điện máy của Tịnh có mặt ở các quận, huyện của TP.Hồ Chí Minh; doanh số năm 2011 từng đạt đến 20 tỷ đồng. Tịnh tâm sự: “Tôi giàu lên một cách nhanh chóng. Lúc đó, tôi cứ nghĩ mình đã ở đỉnh điểm của sự thành công nên không chịu nghe lời khuyên của bất cứ ai và quyết đoán mọi việc. “Ngựa non háu đá” đã dẫn đến một chuỗi những quyết định sai lầm, cộng với việc không có kỹ năng lãnh đạo nên công ty một lần nữa sụp đổ”.
Rút kinh nghiệm từ 2 lần trắng tay, lần khởi nghiệp thứ ba này, Đỗ Thanh Tịnh đi từng bước, thận trọng, chậm rãi mà chắc chắn. Ngoài vốn liếng, hành trang lần này của Tịnh còn có cả kinh nghiệm từ sự… thất bại của 2 lần trước. Anh bắt đầu từ việc nghiên cứu kiến thức, đọc sách tham khảo về kinh doanh, theo học lớp quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên kinh doanh sản phẩm chiến lược gì luôn là điều khiến anh trăn trở. Tịnh tiếp tục nghiên cứu thị trường và nhận thấy sản phẩm nội thất, phân khúc bình dân lúc này đang là tiềm năng nhưng chi phí vận chuyển lại khá cao. Vì vậy anh quyết định mở công ty kinh doanh sản phẩm này dưới hình thức online. Công ty TNHH Nội thất Tứ Hưng do Đỗ Thanh Tịnh làm giám đốc ra đời từ đó. Thời điểm ấy (năm 2012), kinh doanh online là loại hình khá mới mẻ, chưa nở rộ như hiện nay. Tịnh lập trang web tuhung.net để giới thiệu sản phẩm của công ty. Tứ Hưng cung cấp hầu hết sản phẩm cần thiết cho văn phòng và gia đình. Từ năm 2013 đến nay, doanh số của Tứ Hưng tăng dần qua từng năm và năm 2016 đạt đến con số 20 tỷ đồng. Hiện anh cung cấp sản phẩm từ tỉnh Khánh Hòa trở vào các tỉnh phía Nam và dự kiến mở rộng ra các tỉnh bắc miền Trung.
Và sẻ chia
Giữa tháng 3.2017 này, Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành bộ sách khởi nghiệp thực chiến gồm 2 quyển “Khởi nghiệp 0 đồng chinh phục triệu đô” và “Thực chiến cận thị trường” của doanh nhân Đỗ Thanh Tịnh với 2 nghìn bản. Tập “Khởi nghiệp 0 đồng chinh phục triệu đô” được tập hợp từ chuỗi bài anh đã viết trước đó, là cảm xúc từ những thất bại, nỗi cô đơn, kể cả những suy tư trên con đường khởi nghiệp. Quyển “Thực chiến cận thị trường” là tập hợp hơn 100 chiến lược kinh doanh mà Đỗ Thanh Tịnh góp nhặt được phần nhiều từ đường phố, những bài học phải trả giá đắt theo nghĩa cận thị trường mà tác giả dành tặng cho những bạn trẻ khởi nghiệp với hy vọng giúp họ tránh phải chịu sự thất bại không cần thiết, không đáng có và đôi khi rất “nhảm”. Giá bìa 75 nghìn/cuốn, trọn bộ giá 100 nghìn đồng. |
“Cho một chỉ vàng chứ không dẫn đàng đi buôn”. Nhưng Đỗ Thanh Tịnh thì khác. Anh sẵn sàng sẻ chia những kinh nghiệm, kiến thức có được trong quá trình kinh doanh cho các bạn trẻ, kể cả chia sẻ những thất bại của mình. Với vai trò Trưởng ban kết nối Speed up Việt Nam, Tịnh càng có cơ hội chia sẻ với những bạn trẻ đang ấp ủ khát vọng khởi nghiệp nhưng thiếu thông tin và kinh nghiệm. “Trước kia, khi tôi dự định khởi nghiệp thì vấp phải rào cảm lớn là không có tiền. Tôi biết bây giờ có nhiều bạn trẻ có ý tưởng hay nhưng để biến ước mơ thành hiện thực thì lại vấp phải rào cản như tôi. Do vậy, cộng đồng các doanh nghiệp Speed up Việt Nam tạo ra môi trường, cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp bằng cuộc thi khởi nghiệp mang tên “Tiến lên Việt Nam ơi” với số tiền tài trợ lên đến 10.000USD cho dự án kinh doanh xuất sắc nhất. Việc này tạo ra sân chơi để chia sẻ kinh nghiệm, sau đó tài trợ cho người đoạt giải cuộc thi. Số tiền này tôi quyên góp từ doanh nghiệp đã thành đạt và tôi sẽ tiếp tục theo đuổi dự án phi lợi nhuận này. Nhưng không chỉ riêng tôi, hiện nay còn nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng cho đi cả tiền và kiến thức” - Tịnh tâm sự.
Mới đây nhất, ngày 5.3 vừa qua, anh mở lớp để tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho những bạn trẻ từ việc lập chiến lược (chọn thị trường kinh doanh, chọn sản phẩm phù hợp); các kế hoạch kinh doanh (gồm tiếp thị và bán hàng); quản trị tài chính (về cách tính chi phí, định phí, biến phí, giá thành, điểm hòa vốn); cấu trúc công ty (nhân sự, chính sách, tổ chức) đến văn hóa công ty. Nhiều bạn trẻ bày tỏ, trước đây, họ vẫn còn băn khoăn không biết khởi nghiệp từ đâu nhưng từ khi nghe Tịnh chia sẻ kinh nghiệm, họ đã tự tin khởi nghiệp ngay. Lời khuyên cho người trẻ khởi nghiệp, theo Tịnh, trước hết phải có mục tiêu cụ thể và chỉ nên chọn một sản phẩm/dịch vụ/mô hình để kinh doanh chứ không nên đầu tư tràn lan. Thứ 2, phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng rồi sau đó mới tạo thương hiệu. Và thứ 3, bắt đầu bán hàng. Theo Tịnh, bán hàng để kiếm tiền mới nghe qua thì dễ nhưng để tạo thương hiệu là việc không dễ.
Hỏi về triết lý kinh doanh, Tịnh chia sẻ ngắn gọn: “Người giỏi chưa chắc đã giàu, nhưng tử tế rồi sẽ giàu. Mình giúp người khác thành công, coi như mình đã thành công nên tôi không ngại chia sẻ mọi kinh nghiệm”. Với Tịnh, thành công cũng là sẻ chia với cộng đồng. Ngoài trao học bổng cho học sinh nghèo, 3 năm qua, Công ty Tứ Hưng của Tịnh còn thực hiện chương trình “Giấc ngủ vàng nâng ngàn ước mơ” bằng việc tặng 1.000 chiếc giường cho người cơ nhỡ, cho các mái ấm và chương trình vẫn đang tiếp tục. Còn về thành công hôm nay, Tịnh cho rằng, bản thân mình không nản chí sau thất bại là do có tính cách kiên cường của người Quảng. “Tất nhiên, môi trường sống, làm việc cởi mở, năng động luôn thôi thúc mình tiến lên ở TP. Hồ Chí Minh cũng có tác động kích thích rất lớn đối với tính cách Quảng, đối với những nỗ lực của bản thân tôi...” - Tịnh nói thêm.
CHÂU NỮ