Khởi nghiệp từ trường học

VINH ANH 01/01/2019 06:12

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc hợp tác toàn diện với các trường đại học có thể giúp hoạt động khởi nghiệp (KN) địa phương hướng đến hình thành hệ sinh thái KN có hiệu quả và phát triển bền vững.

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, Tổ Công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các hoạt động hỗ trợ KN với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: V.ANH
Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, Tổ Công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các hoạt động hỗ trợ KN với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: V.ANH

Từ những thách thức

PGS-TS. Huỳnh Quyền - Phó Trưởng ban Khoa học - Công nghệ (KH-CN), Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay hoạt động KN của địa phương “tỉnh lẻ” còn phải đối diện nhiều thách thức, khó khăn. Đó là việc tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng tham gia KN (phần lớn các địa phương không có các trường đại học lớn), việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư tương đối khó khăn do mật độ các doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn đóng chân ở “tỉnh lẻ” thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn. Theo ông Quyền, hoạt động KN địa phương tại Việt Nam nói chung, hoạt động KN ở Quảng Nam cũng đang đối diện với những khó khăn và thách thức, tập trung ở 2 vấn đề: nguồn lực “doanh nhân KN” được đào tạo, trang bị các kỹ năng KN cần thiết và việc tiếp cận, ứng dụng, phát triển KH-CN.

Trong khi đó, TS. Trương Ngọc Kiểm (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại nhìn nhận về 3 điểm yếu từ chính các trường đại học, cao đẳng trong KN, đổi mới sáng tạo, gồm: nguồn nhân lực, khoảng cách giữa nhà trường và thị trường; động lực đổi mới sáng tạo từ giảng viên; hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế. Ông Kiểm cho biết: “Sinh viên ra trường vừa thiếu vừa yếu kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ, thực hành không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Trong khi việc cải tiến giáo trình giảng dạy chậm chạp, đang đẩy nhà trường, giảng viên vào thế “không nói chung một ngôn ngữ với thị trường”. Đồng thời vì thiếu sự tương tác thực tiễn và thu nhập “theo quy định” nên việc giảng viên truyền cảm hứng để sinh viên KN và hỗ trợ kết nối các nguồn lực để các ý tưởng kinh doanh trong sinh viên phát triển vươn xa thường kém hiệu quả. Đặc biệt, việc đặt hàng, hợp tác giữa trường đại học và các doanh nghiệp khó diễn ra suôn sẻ vì chưa có nhiều cơ chế thuận lợi để thúc đẩy”.

Bên cạnh đó, TS. Trương Ngọc Kiểm cho rằng, các trường đại học, viện nghiên cứu là cái nôi để ươm mầm, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy KN đổi mới sáng tạo nhưng nhận thức của cán bộ, sinh viên cũng như các kiến thức này trong nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế, không đầy đủ và chưa đồng bộ. Mặc dù lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu và cả sinh viên, học viên sau đại học đều nhận thấy tầm quan trọng của việc giảng dạy, đào tạo các kiến thức về KN, đổi mới sáng tạo trong trường đại học.

Cần sự hợp tác đôi bên

Hoạt động KN tại Quảng Nam có thể hình thành muộn hơn so với một số địa phương và thành phố lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ KN địa phương, Quảng Nam đã sớm quan tâm, chú trọng phát triển KN trong các trường đại học, cao đẳng. Minh chứng là bên cạnh việc thành lập Câu lạc bộ Sinh viên KN sáng tạo Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Tổ Công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh còn tổ chức các hoạt động kết nối, cổ vũ tinh thần KN trong sinh viên Quảng Nam đang học tập tại Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… Đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên KN TP.Hồ Chí Minh - một trong những đơn vị mạnh và dẫn đầu về hỗ trợ KN, trong đó có hỗ trợ cho sinh viên, thanh niên.

Khi nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng nhấn mạnh: Những bước đi đầu đời với học sinh, sinh viên vô cùng quan trọng. Vì thế, các thầy cô không nên để các em quá cứng nhắc, vùi đầu vào những bài giảng, lý thuyết, mà cần tạo cơ hội để sinh viên gắn bó với môi trường bên ngoài, được cọ xát với thực tế thông qua hoạt động KN. Thầy cô là những người nâng đỡ, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và các ý tưởng sáng tạo của sinh viên.

Theo PGS-TS. Huỳnh Quyền, để giải quyết được 2 thách thức chính với KN địa phương thì việc hợp tác toàn diện giữa địa phương và các trường đại học lớn về KN rất cần thiết. Hoạt động hợp tác cho phép địa phương tìm kiếm nguồn “doanh nhân KN” chất lượng, đồng thời tiếp cận các trường thông qua các chương trình hợp tác về KH-CN. PGS.TS.Huỳnh Quyền cho rằng, có khoảng 1.200 sinh viên Quảng Nam đang theo học tại Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Đây là nguồn “doanh nhân KN” mà địa phương cần kết nối để khai thác phục vụ cho sự phát triển của hoạt động KN. Do đó, việc tổ chức các chương trình gặp gỡ giữa sinh viên Quảng Nam và lãnh đạo tỉnh; xây dựng và triển khai chương trình hợp tác về KN-CN, đào tạo về KN… giữa địa phương và các trường đại học, hết sức cần thiết.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp từ trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO