Những năm gần đây, dường như ở đâu, lúc nào cũng nghe bàn chuyện khởi nghiệp. Khởi nghiệp trở thành một phong trào và được nhắc đến với các cụm từ quốc gia khởi nghiệp; phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp; đến ươm mầm khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp...
Phong trào khởi nghiệp tại Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung đã và đang phát triển mạnh mẽ, với khí thế, tinh thần hết sức... khởi nghiệp! Với Quảng Nam, từ năm 2017 - năm mở đầu chương trình khởi nghiệp, đến nay phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, trên nhiều lĩnh vực, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa trong cộng đồng đúng như slogan: “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”. Quảng Nam xác định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp năng động, tạo nền tảng phát triển bền vững, phù hợp với đặc trưng và thế mạnh của địa phương.
Khởi nghiệp đang nở rộ, đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng, hình như đâu đó đang có chút nhầm lẫn.
Có khá nhiều định nghĩa/quan niệm về khởi nghiệp. Theo một doanh nhân khá thành đạt, hình như nhiều người đang nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Theo doanh nhân này, khởi nghiệp phải đòi hỏi và gắn liền với đổi mới, sáng tạo. Khởi nghiệp là khi người nào đó có một sản phẩm mới, chưa có tên trên thị trường, chưa được ai làm trước đó hoặc sản phẩm đã có người làm nhưng mình có phương án đổi mới, sáng tạo mới để thực hiện nó; còn lập nghiệp là mở doanh nghiệp kinh doanh theo những mô hình kinh doanh tồn tại trước đó và mô hình kinh doanh này giống như những mô hình khác đã và đang tồn tại, phát triển.
Một thanh niên quê Thăng Bình mở hướng làm ăn mới ở lĩnh vực nông nghiệp so với chính anh trước kia. Khi có nhà báo đặt vấn đề viết về tấm gương khởi nghiệp của anh, anh đã từ chối, với lý do: viết về chuyện làm kinh tế, chuyện lập nghiệp của anh thì được, nhưng viết về tấm gương khởi nghiệp thì không nên. Theo thanh niên này, làm kinh tế để lo cho bản thân, gia đình hoặc đóng góp cho xã hội là việc mà người bình thường phải làm, báo chí có thể viết bài về mô hình làm ăn của anh, hy vọng sẽ hữu ích cho người muốn lập nghiệp, chứ viết theo kiểu “tấm gương khởi nghiệp” thì chưa chính xác.
Báo chí cũng thường đề cập những gương khởi nghiệp thành công nhưng tôi nghĩ, viết về những mô hình khởi nghiệp đã thất bại, mà nhân vật mạnh dạn chia sẻ về thất bại của mình và những kinh nghiệm mà họ tự rút ra được từ sự thất bại của họ, cũng là bài học hữu ích cho những người trẻ muốn khởi nghiệp khác thì đó cũng là điều nên phản ánh. Tuyên truyền khởi nghiệp, với mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, nhưng nếu không khéo, vô hình chung các bạn trẻ sẽ nhầm tưởng, rằng khởi nghiệp hóa ra thật đơn giản và dễ thành công. Khởi nghiệp không phải là lập nghiệp vì khởi nghiệp đòi hỏi tính đổi mới, sáng tạo. Phân biệt như vậy là để bạn trẻ xác định mình nên chọn lập nghiệp hay khởi nghiệp và để biết, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ mà phải biết chấp nhận thất bại để đứng lên.