(QNO) - Vượt qua nỗi đau có con mắc bệnh bại não, chị Phạm Thị Thu Thủy (xã Tam Tiến, Núi Thành) đã mạnh mẽ vươn lên, vừa chăm sóc con, vừa hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ chế biến rau củ quả vùng cát.
Đa dạng sản phẩm từ chế biến nông sản
Năm 2020, chị Thủy sinh cô con gái thứ 2, nhưng niềm vui không kéo dài bao lâu khi chị phát hiện con mình mắc phải chứng bại não. Chứng kiến con nằm phòng đặc biệt, thở máy, chị chỉ mong con sớm được về nhà. Chị tập dần cho con thói quen thoát khỏi chiếc máy thở, tập ăn, tập uống. Thời gian ở bệnh viện, chị trở thành động lực cho rất nhiều người mẹ khác cùng hoàn cảnh.
Sự lạc quan và tình thương vô bờ bến của mẹ Thủy đã giúp em bé sớm được về nhà cùng gia đình và giúp chị thêm nghị lực đồng hành cùng con.
Chị kể, trước đây làm quản lý một tổng đài điện thoại, những lúc rãnh rỗi học thêm nghề làm bánh, nhưng không ngờ, niềm đam mê này lại trở thành công việc chính của chị sau này.
“Thương con, tôi chế biến các món ăn cho con và sáng tạo nên món ăn mới từ các nguyên liệu rau, củ, quả trong nhà. Vì bé không ăn được các thức ăn cứng nên tôi làm món kẹo chip chip từ trái cây tươi. Tôi rất vui khi bé yêu thích món ăn này” - chị Thủy chia sẻ.
Kẹo chip chip được làm từ bột gelatine hữu cơ, nấu cùng nước ép các loại trái cây như chanh dây, chanh ta, cam, thanh long, cà rốt, hoa đậu biếc... Đặc biệt, với loại kẹo này, chị dùng nước cốt chanh pha vào lúc chế biến để thay chất bảo quản, vì thế, kẹo chip chip có thể bảo quản được dài ngày hơn.
Đầu năm 2023, chị Phạm Thị Thu Thủy còn làm thêm món bánh phồng khoai lang rau củ. Chị tìm tòi, nghiên cứu nguyên liệu mới để tạo nên bánh phồng "vừa lạ, vừa quen". Khoai lang, loại củ mà người dân vùng cát Tam Tiến trồng phổ biến được chị chọn làm nguyên liệu cho món bánh này.
Để thêm màu sắc, chị chọn khoai lang mật, khoai lang tím, khoai lang trắng vùng cát Tam Tiến và vùng đông Thăng Bình. Khoai sau khi sơ chế sẽ được hấp chín, sau đó nghiền mịn, trộn thêm gia vị rồi lăn thành những thanh tròn dài, thái lát mỏng, sấy khô rồi chiên phồng. Để món bánh thêm hấp dẫn, chị rắc thêm phô mai bột và đóng gói thành những túi nhỏ.
Món bánh này không chỉ các bé yêu thích mà đã có một số nhà hàng tại Hội An đặt hàng thường xuyên. Ngoài ra, chị còn làm món bánh lăn và các loại bánh kem, bánh rau câu, mâm xôi chè phục vụ sinh nhật, đám tiệc khác.
“Thời gian đầu rất gian nan, nhưng được gia đình hỗ trợ, động viên, tôi làm và giới thiệu sản phẩm đến bạn bè, đăng lên mạng xã hội và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, ngày hội tại địa phương, nhờ thế, sản phẩm được nhiều người biết đến và đặt mua” - chị Thủy nói.[VIDEO] - Chị Phạm Thị Thu Thủy chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình:
Chị Thủy cho biết thêm, dù các sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công nhưng luôn chú trọng yếu tố an toàn, vệ sinh thực phẩm, các nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng để đảm bảo sức khỏe cho người dùng, không chất phụ gia, chất bảo quản. Hiện sản phẩm đã được công bố chất lượng, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm bánh phồng khoai lang đang được địa phương định hướng tham gia chương trình OCOP, mở ra hướng đi bền vững hơn.
Vừa qua, ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ khoai lang vùng cát ven biển của chị Phạm Thị Thu Thủy, vượt qua 21 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Núi Thành để giành giải Nhất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm 2023 của Hội LHPN Núi Thành. Năm 2022, chị cũng tham gia cuộc thi này với sản phẩm chip chip nhà làm, đoạt giải Nhì cuộc thi.
Cũng trong năm nay, ý tưởng sản xuất bánh kẹo, thực phẩm từ nông sản đất cát Quảng Nam cũng được công nhận là ý tưởng khởi nghiệp tại cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam năm 2023.
Chỗ dựa cho những mảnh đời bất hạnh
Từ những món bánh kẹo làm cho con gái của mình, giờ đây chị Thủy đã sản xuất số lượng lớn hơn và thuê thêm nhân công. Thấu hiểu những gia đình cùng cảnh ngộ, chị Thủy kết nối và tạo việc làm cho các bà, các mẹ. Hiện, cơ sở của chị tạo công việc thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Bà Trần Thị Lệ (xã Tam Tiến) có cháu gái 4 tuổi mắc phải bệnh bại não. Trừ những hôm cháu mệt, còn lại hàng ngày bà đều bồng theo đứa cháu của mình đến làm. Cháu nằm chơi cùng con chị Thủy bên ngoài, bà mang đồ bảo hộ làm việc ở phòng bên trong được ngăn bởi tấm cửa kính.
“Mấy năm nay, tôi chỉ quanh quẩn phải ở nhà chăm cháu. Từ khi đi làm, không chỉ có thêm thu nhập mà tôi và cháu được thay đổi môi trường. Dù cháu hay đau, nhiều lúc phải về giữa chừng nhưng Thủy luôn tạo điều kiện, tôi rất biết ơn” - bà Lệ nói.
Còn với chị Phạm Thị Thúy (xã Tam Tiến), nếu trước đây làm nhân viên khách sạn, chị đi, đứng nhiều, sức khỏe bị ảnh hưởng nên phải nghỉ việc. "Giờ đây, công việc tại cơ sở của chị Thủy nhẹ nhàng hơn và tôi có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình" - chj Thúy cho biết. .
Bằng bản lĩnh, nghị lực, chị Phạm Thị Thu Thủy vươn lên mạnh mẽ, bền bỉ như cây xương rồng trên cát, lan tỏa tinh thần lạc quan và giúp đỡ được nhiều người. Bây giờ, điều mong ước của chị là ngày càng có nhiều đơn hàng, cơ sở được mở rộng để có thể giúp đỡ nhiều phụ nữ cùng hoàn cảnh.
[VIDEO] - Chị Thủy mong muốn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh có con khuyết tật: