Khởi nghiệp với... lá khô

TÂM ĐAN 21/12/2022 07:32

Mạnh dạn thử sức ở các sân chơi khởi nghiệp (KN) lớn, năm 2022, dự án “Lá khô Handmade” của cô giáo Nguyễn Như Sinh (xã Đại Quang, Đại Lộc) đã liên tiếp đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng KN đổi mới sáng tạo miền Trung - Tây Nguyên” và cuộc thi “Dự án KN thanh niên nông thôn”.

Cô giáo Nguyễn Như Sinh khoác trên mình trang phục làm từ lá cây cùng bức tranh và các sản phẩm thời trang handmade khi tham gia vòng thi chung kết Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022 tại Hà Nội vào hôm qua 20/12. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô giáo Nguyễn Như Sinh khoác trên mình trang phục làm từ lá cây cùng bức tranh và các sản phẩm thời trang handmade khi tham gia vòng thi chung kết Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022 tại Hà Nội vào hôm qua 20/12. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Yêu thích đồ thủ công

Khéo tay, mê làm đồ thủ công từ lúc còn là học sinh, nhưng có lẽ chị Nguyễn Như Sinh cũng không ngờ “tài lẻ” ấy lại mở ra cho bản thân cơ hội KN thú vị. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế, chị Sinh hiện là giáo viên âm nhạc tại một trường THCS ở địa phương.

“Startup là một quá trình dài. Quá trình đó không chỉ đòi hỏi một ý tưởng hay mà còn cần các yếu tố như tài chính, kế hoạch, đam mê… Ai cũng có sở thích và đam mê, sẽ thật tuyệt vời nếu biến những đam mê đó trở thành nghề nghiệp. Và tôi cũng vậy, bên những cố gắng của bản thân là sự giúp đỡ, động viên của gia đình và sự hướng dẫn các nhiều người đi trước”.

(Cô giáo Nguyễn Như Sinh)

Trước khi bén duyên về đồ hanmade, chị Sinh đã thử sức khởi nghiệp với các sản phẩm trầm hương. Chị kể, sở thích làm các sản phẩm, món đồ thủ công có từ lúc còn đi học. Khi đó thường tập tành làm các sản phẩm bằng giấy, cây cỏ... để tặng bạn bè.

Sau này, khi thấy các sản phẩm độc đáo được làm từ lá cây trên internet, chị đã mày mò làm thử. Ban đầu làm để trưng bày trong nhà, sau có người hỏi mua và ngày càng nhiều người đặt hàng nên chị làm số lượng lớn. “Tiếng lành đồn xa”, các sản phẩm “Lá khô handmade” của chị Sinh được kết nối quảng bá, giới thiệu ở nhiều sự kiện, hoạt động về KN.

Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, chị Sinh đã tự biết cách khai thác, xử lý các loại lá cây, đặc biệt là lá bồ đề để làm nón, ví, làm tranh. Những chiếc lá bồ đề gần rụng được hái rồi ngâm từ 2 - 3 tháng, xử lý sạch.

Chị Sinh cho biết, chỉ có lá gần rụng mới có gân, lá non không làm được, lá khô rụng sẽ bị cong vẹo. “Các sản phẩm handmade đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế thì mới cho ra tác phẩm ưng ý. Bởi vậy, mỗi sản phẩm được làm ra phải bằng chính tấm lòng và tình cảm của tác giả” - chị Sinh chia sẻ.

Gắn mã QRCode cho sản phẩm

Từ làm cho vui để trang trí, đến nay cơ hội thương mại với các sản phẩm “Lá khô handmade” của chị Nguyễn Như Sinh là rất lớn. Điều đó cũng dễ hiểu khi trong năm 2022, dự án “Lá khô handmade” đã liên tiếp đoạt giải Nhì tại 2 cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung - Tây Nguyên” và cuộc thi “Dự án KN thanh niên nông thôn”.

Niềm tin KN với “Lá khô handmade” càng được nhân lên, khi hôm qua 20/12, chị Sinh và dự án của mình nằm trong tốp 20 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết chương trình Phát triển dự án KN quốc gia năm 2022 đang diễn ra tại Hà Nội.

 

Chia sẻ về những giải thưởng này, chị Sinh nói vui rằng chắc bản thân có duyên với số 2 và thật sự vui và bất ngờ khi may mắn dành được những phần thưởng ý nghĩa này.

“Ở các cuộc thi, những dự án tham gia đều quy mô, hiện đại và có tính ứng dụng cao trong đời sống. Tôi không nghĩ “Lá khô handmade” lại đoạt được giải Nhì. Trong tư tưởng, tôi dự thi với mong muốn lớn nhất là được đi ra học hỏi, giao lưu để tích lỹ kinh nghiệm cho bản thân hoàn thiện hơn. Phải chăng do tâm lý thoải mái nên khi thuyết trình dự án không bị áp lực và được hội đồng đánh giá cao” - chị Sinh chia sẻ.

Về dự định thời gian đến, chị Sinh cho biết đang ấp ủ nhiều dự định đối với dự án của mình. “Bản thân đang là viên chức, nhà giáo nên thời gian của tôi rất ít. Tôi dự tính, hè năm đến sẽ triển khai làm nhà xưởng để sản xuất số lượng lớn sản phẩm mũ, ví, phụ kiện thời trang, bên cạnh dòng tranh phong thủy đã ổn định thời gian qua. Tôi cũng ấp ủ mong muốn giúp các bạn trẻ ở địa phương yêu thích nghệ thuật bằng cách hỗ trợ dạy và lo đầu ra cho các sản phẩm lá khô handmade” - chị Sinh nói.

Chị Sinh cho hay, sẽ ưu tiên cho các bạn khuyết tật ở địa phương, đồng thời muốn nâng tầm giá trị của mỗi bức tranh bằng cách ứng dụng công nghệ số.

“Mỗi bức tranh sẽ là một câu chuyện bất kỳ mang những ý nghĩa khác nhau về một địa danh hay một thắng cảnh hay một hoàn cảnh của tác giả... Mỗi bức tranh là độc bản. Khi người mua check mã QRCode đọc được những câu chuyện đó sẽ định giá tranh tùy vào cảm xúc” - chị Sinh chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp với... lá khô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO