Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Phạm Minh Công (sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã dành nhiều tâm huyết để chế tạo thành công máng ăn tự động cho heo, mở ra lối đi triển vọng cho ngành chăn nuôi.
Ý tưởng từ… sự lam lũ
Sinh ra ở vùng quê nghèo thôn Lộc An (xã Bình Lâm, Hiệp Đức), Công chứng kiến ba mẹ lam lũ, trầy trật với cây lúa, đàn heo để trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Do gia đình của Công và nhiều hộ khác ở quê chỉ chăn nuôi heo quy mô nhỏ nên mọi công đoạn đều thực hiện thủ công. Từ những lần nghỉ học về thăm nhà, cảm thấy áy náy, trăn trở với cách chăn nuôi thiếu quy củ, chàng sinh viên năm 4 đã vùi đầu vào nghiên cứu sản xuất máng ăn tự động cho heo để gia đình bớt nhọc nhằn hơn. Dù còn phải dành thời gian cho việc học tập ở giảng đường, cộng với kinh phí để chế tạo vô cùng hạn hẹp do phải tự túc nhưng Công tự nhận rằng mình khá may mắn khi có được một người bạn đồng hành học cùng lớp rất tâm huyết là Trần Thanh Long (trú ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Cả hai đã mày mò cùng chiếc máng gần 10 tháng với nhiều lần chỉnh sửa qua thử nghiệm thực tế để phù hợp với đặc thù chăn nuôi của người nông dân.
Công (bên phải) và nhóm bạn thực hiện dự án đem chiếc máng đi tham dự một cuộc thi khởi nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh.Ảnh: Q.TUẤN |
Khi cho ra đời sản phẩm đầu tiên, Công đã áp dụng cho chính gia đình mình và thu được kết quả mỹ mãn. Do trên sản phẩm có trang bị màn hình LCD và bàn phím nên ba mẹ của Công và người dùng chỉ cần nhập 4 thông số: số bữa ăn, trọng lượng thức ăn, thời gian ăn đầu tiên và thời gian ăn cách nhau là máng sẽ tự động cung cấp thức ăn cho đàn heo với khối lượng thức ăn cung cấp tự động tối đa mỗi lần khoảng 50kg/máng.
Và giấc mơ
Từ cuối tháng 10.2016, xưởng cơ khí sản xuất máng heo đã hoàn thiện, máng heo đã được chạy thử ở một số trang trại và thu được kết quả tốt. Dự kiến, khi tung ra thị trường, giá mỗi sản phẩm máng ăn tự động phục vụ cho đàn heo dưới 20 con vào khoảng 4 triệu đồng. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện ý tưởng, Công đã ấp ủ giấc mơ sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân. Bởi thế khi chế tạo thành công máng ăn tự động cho heo, chàng sinh viên trẻ này đã tiếp tục cho ra lò những phiên bản cao cấp hơn để hướng đến các đối tượng quy mô hơn. Sản phẩm cao cấp của dự án không cài đặt trực tiếp trên máy mà thực hiện trên một máy tính chủ, kết nối tất cả các máng heo vào internet. Từ ứng dụng này, sản phẩm sẽ hướng đến phục vụ cho các trang trại lớn, các doanh nghiệp nuôi gia công bởi có thể theo dõi, giám sát từ xa mà không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đàn gia súc.
Khi tham dự cuộc thi khởi nghiệp sinh viên toàn quốc do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2017, dự án máng ăn tự động cho heo đã dễ dàng lọt vào top 5 khu vực miền Trung với sự đánh giá rất cao của các chuyên gia tham dự vòng chung kết toàn quốc tại Hà Nội vào tháng 3 này. Điều này không bất ngờ bởi trước đó, dự án đã đoạt giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh BSA (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam) tổ chức. Ngoài ra dự án còn lọt vào top 30 dự án xuất sắc tham dự cuộc thi “TECHFEST 2016” do Bộ Khoa học & công nghệ tổ chức, top 100 dự án khởi nghiệp tiêu biểu của cả nước do chương trình truyền hình thực tế “Shark Tank Việt Nam” lựa chọn…
Mới đây, Công đã quyết định thành lập Công ty CP Sản xuất thương mại thiết bị tự động S&E nhằm hướng tới việc cung ứng sản phẩm ra thị trường một cách quy củ và dễ tạo được niềm tin trong người tiêu dùng hơn. Hàng ngày, có hàng chục cuộc gọi tìm hiểu về thông tin sản phẩm. Theo lời Công, một số khách hàng ở các địa phương lân cận của Đà Nẵng còn đề nghị công ty của mình trực tiếp lắp đặt sản phẩm giúp. Hiện tại, doanh nghiệp non trẻ của Công và các cộng sự đã tham gia “Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng” - một môi trường chắp cánh lý tưởng cho các hoài bão. Ông Võ Duy Khương – Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP.Đà Nẵng cho biết, dự án sản xuất máng ăn tự động cho heo của các sinh viên trẻ mang tính ứng dụng cao, rất khả thi và nằm trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp. Điều này một lần nữa cho thấy, khởi nghiệp không nhất thiết phải nắm lượng vốn lớn mà mấu chốt nằm ở ý tưởng, có ý tưởng tốt thì không lo thiếu sự đỡ đầu.
QUỐC TUẤN