Khởi nghiệp với phụ liệu may mặc để hỗ trợ đồng hương

PHAN VINH 24/11/2023 16:07

(PR) - Từ mong muốn mang lại giá trị cho bà con đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh ở lĩnh vực may mặc, anh Dương Văn Năm (Năm Hậu, SN 1976, quê ở xã Duy Hải, Duy Xuyên) đầu tư cung cấp các sản phẩm phụ liệu chuyên ngành. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng hướng Duy Hải tại TP.Hồ Chí Minh, anh thường xuyên có những hoạt động hướng về quê nhà.

 

Mạnh dạn khai mở thị trường

Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Năm vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp và trải qua 7 năm làm quản lý cho một nhà hàng tiệc cưới lớn nhất nhì thành phố lúc bấy giờ. Điều hành nhiều bộ phận cùng một lúc và liên tục xử lý tình huống với khách hàng thượng lưu, từ đây anh đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm và sự nhạy bén trong kinh doanh.

Thời điểm này, anh nhận thấy việc kinh doanh quần áo của gia đình và hơn 150 hộ đồng hương Duy Hải tại khu vực chợ Tân Bình có tiềm năng mở rộng phát triển thị trường nhưng gặp một nút thắt lớn ở khâu nhập hàng phụ liệu may mặc.

 

Anh Năm chia sẻ: "Vải người Quảng mình dệt ra giá khá rẻ, chi phí sản xuất của các xưởng may mặc cũng không cao nhưng khi ra đến thành phẩm thì giá thành lại cao. Vì lúc này, tất cả hàng phụ liệu ngành may mặc đều phải lấy từ cộng đồng người Hoa ở quận 5. Họ độc quyền nhập từ Trung Quốc và bán lại với giá cao. Từ đó, sản phẩm quần áo đưa ra thị trường bị đôn mức phí này nên khó cạnh tranh. Mà hồi đó, ở Tân Bình, phần lớn người Quảng mình ở trong này làm ngành may mặc bị ảnh hưởng".

Trước thực trạng này, anh Năm tìm hiểu lĩnh vực phụ liệu may mặc, theo học khoá tiếng Trung ngắn hạn rồi mạnh dạn sang nước láng giềng tìm xưởng gia công. Nhờ kỹ năng giao tiếp và thương thảo tốt, anh nhanh chóng đặt hàng sản xuất độc quyền các sản phẩm phụ liệu may mặc với giá thành khá tốt so với thị trường trong nước.

 

Sau đó, anh Năm thành lập Công ty TNHH Sản xuất phụ liệu may mặc, ren Gia Bảo (công ty Gia Bảo), kết nối, cung cấp sản phẩm dây giày, dây quần áo, thun, logo, hình ép, ren vải và các sản phẩm quà lưu niệm bằng vải cho các xưởng may mặc và điểm bán sỉ tại TP.Hồ Chí Minh.

"Sản phẩm của mình rẻ hơn rất nhiều so với giá thành trước đây trên thị trường nhưng chất lượng vẫn tương đương. Mình mở rộng ra 4 cửa hàng, riêng ở phố vải Phú Thọ Hoà (phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú) thì có 3 cửa hàng kinh doanh 3 dòng sản phẩm khác nhau. Thời điểm trước dịch Covid-19, mỗi ngày mình xuất kho gần 15 tấn hàng, mỗi tháng trung bình 40-50 tấn. Thời điểm này khó khăn, con số này giảm phân nửa nhưng so với anh em trong ngành thì mình cũng tương đối thuận lợi" - anh Năm nói.

Chia sẻ với đồng hương quê nhà

Như ý định ban đầu khi khởi nghiệp ở lĩnh vực phụ liệu may mặc, anh Năm muốn mang lại giá trị cho cộng đồng người Quảng đang sản xuất kinh doanh may mặc tại TP.Hồ Chí Minh nên khi làm chủ được nguồn hàng, anh dành những chính sách tốt cho các đối tác đồng hương. Cụ thể, thời gian qua, gần 60 cơ sở may mặc có chủ là người đồng hương Quảng Nam khi hợp tác với công ty Gia Bảo đều được giảm từ 20 - 50% giá thành sản phẩm và nâng thời gian gối công nợ tối đa 12 tháng.

 

Tại công ty, trong 100 nhân công của mình, anh Năm sử dụng khoảng 60 người là đồng hương Quảng Nam, với mức thu nhập hằng tháng thấp nhất là 8 triệu đồng/1 người.

 

Ngoài ra, trong công tác đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh, anh Năm trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng hương Duy Hải đã tiên phong tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ cho bà con. Với những người mới ở quê vô, anh gặp gỡ kết nối nơi làm việc, hỗ trợ chi phí lúc khó khăn. Nếu vô khám chữa bệnh, anh cũng tích cực tìm kiếm bệnh viện, hỗ trợ gửi gắm bác sĩ, kêu gọi ủng hộ viện phí với các trường hợp khó khăn,...

 

Những năm qua, anh Năm thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về quê hương, như hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình phụ, mua sắm thiết bị máy móc trong dạy học tại các trường trên địa bàn xã; hỗ trợ với địa phương đầu tư công trình điện thắp sáng đường quê; mỗi dịp lễ Tết, anh cũng hỗ trợ nhiều suất quà cho người nghèo và người cao tuổi ở Duy Hải. Gần đây nhất anh tổ chức chuyến thăm trẻ em ở huyện miền núi Tây Giang.

"Mình quan niệm quê hương là nơi sinh ra và nuôi lớn mình, cho mình được như ngày hôm nay, nên mình có trách nhiệm làm điều gì đó trong khả năng có thể để hỗ trợ, giúp đỡ bà con. Mình tham gia CLB Doanh nhân Duy Xuyên phía Nam và đồng hành với nhiều chương trình cũng với mong muốn gắn kết anh em lại, tạo thành một cộng đồng mạnh mẽ, có thể giúp đỡ nhau làm kinh tế và tạo được nhiều giá trị cho quê hương ở thành phố này" - anh Năm chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp với phụ liệu may mặc để hỗ trợ đồng hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO