Khởi nghiệp với trung tâm tiếng Anh

QUỐC TUẤN Bài dự thi “Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo” năm 2017 26/05/2017 08:13

Xuất phát từ niềm đam mê tiếng Anh và trăn trở về việc nhiều trẻ em nông thôn chưa được tiếp cận ngoại ngữ một cách bài bản, Nguyễn Đức Việt đã dần tạo môi trường học hiệu quả thông qua Learnright Thăng Bình.

Đi tìm đam mê

Sinh năm 1988 trong một gia đình nghèo ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, gia cảnh khó khăn, các anh chị của Việt phải nghỉ học, nhường suất đến trường cho em. Cũng từ sự khốn khó ấy đã hun đúc ước mơ tiếp cận với tri thức, ngoại ngữ của Việt để anh bước vào giảng đường ở Trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Sau khi ra trường vào năm 2010, Việt tìm được một công việc khá tốt là phiên dịch cho một công ty thực hiện các dự án giao thông lớn trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Nguyễn Đức Việt chia sẻ: “Do mình đảm nhận việc phiên dịch cho giám sát công trình người Indonesia nên rất khó để hiểu hết mọi ý tưởng, suy nghĩ của họ bằng tiếng Anh. Sau 2 tháng, mình quyết định nộp đơn nghỉ việc dù không mắc sai lầm gì trong công việc và người quản lý cũng có rất nhiều lời động viên tiếp tục gắn bó với công ty”.

Nguyễn Đức Việt (phải) trao chứng chỉ của Đại học Cambridge cho các học viên của trung tâm. Ảnh: Q.T
Nguyễn Đức Việt (phải) trao chứng chỉ của Đại học Cambridge cho các học viên của trung tâm. Ảnh: Q.T

Với sự nhạy bén và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tương đối ổn định của mình, Việt nhanh chóng tìm được một công việc phiên dịch khác cho Công ty Vinakad (KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng) và đã được doanh nghiệp này làm hồ sơ cho sang Mexico để học khóa quản lý 3 năm. Tuy vậy, sau một thời gian ngắn suy nghĩ, Việt đã từ chối cơ hội này bởi nhận thấy công việc về văn phòng và mảng may mặc không phù hợp với dự định và ước mơ của mình. Việt bắt đầu tìm đến công việc dạy ngoại ngữ tại các trung tâm tiếng Anh và cả trường cao đẳng. Việt khăn gói qua nhiều địa điểm, từ Đà Nẵng, Vũng Tàu đến TP.Hồ Chí Minh. Phải đến khi làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, trong một môi trường năng động và luôn thay đổi từng ngày, Việt mới tìm được đam mê trong công việc. Sau thời gian nỗ lực cũng như tích lũy nhiều kinh nghiệm, Việt được chọn làm giám đốc đào tạo. Ngoài việc giảng dạy, anh còn tổ chức nhiều chương trình tuyển giáo viên Việt Nam, giáo viên nước ngoài hoặc tham gia các hội thảo quốc tế. Rất nhiều cơ hội lớn đang rộng mở phía trước nhưng một lần nữa, chàng trai lại chọn một vùng quê để thực hiện dự định ấp ủ đã lâu của cuộc đời mình.

Lập nghiệp ở quê vợ

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị nhưng vợ của Việt là một người con của huyện Thăng Bình nên anh không xa lạ gì vùng đất này. Do hai vợ chồng cùng gắn bó với nhau từ thời đại học nên việc sẵn sàng bỏ dở sự ổn định tại TP.Hồ Chí Minh để trở về cùng nhau bắt đầu làm lại tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình không phải là điều khó khăn. Chị Bùi Nguyễn Diệu Hiền, vợ anh Việt chia sẻ, anh ấy có những khát khao rất riêng, ý nghĩa là mong muốn cho trẻ em nông thôn tiếp cận nhiều hơn với ngoại ngữ và tại sao mình lại phản đối trong khi trung tâm được mở ở ngay nơi mình sinh ra và lớn lên. Việc tuyển sinh trong suốt thời gian đầu thành lập Trung tâm Learnright Thăng Bình (cuối năm 2015) diễn ra hết sức khó khăn. “Tâm lý phụ huynh ở đây mong muốn con được học chương trình tại trường và thi được điểm cao trong khi mục tiêu của mình là học sinh có thể tự tin giao tiếp, nghe hiểu bằng tiếng Anh. Vì vậy, phải mất một khoảng thời gian để thuyết phục họ thông qua chất lượng giảng dạy” - Việt bộc bạch.

Trong quá trình mở các lớp đào tạo theo phương pháp của trung tâm, Việt và các giảng viên nhận thấy năng lực tiếng Anh của học sinh ở Thăng Bình về kỹ năng nghe và phát âm rất yếu. Giáo viên hầu như phải đào tạo lại căn bản từ đầu nhằm giúp học viên xóa bỏ rào cản tự ti khi giao tiếp tiếng Anh. Lường trước được những khó khăn về tài chính của học sinh ở vùng quê này, trung tâm luôn có những ưu đãi riêng cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Một số bạn được miễn giảm 50% học phí, có bạn được miễn hoàn toàn bởi vì mình cũng từng là một cậu bé nghèo trong suốt những năm cắp sách đến trường” - Việt chia sẻ. Hiện tại, số lượng học viên của Trung tâm Learnright Thăng Bình không ổn định do tuyển sinh thường xuyên với khoảng 6 đến 8 lớp từ vỡ lòng đến nâng cao với độ tuổi đa dạng từ mẫu giáo đến cấp THPT.

Do chú trọng việc xây dựng các kỹ năng cho học viên cộng với việc Việt luôn tích cực tham gia các hội thảo tìm kiếm các khóa học, chương trình thi chất lượng, bước đầu Learnright Thăng Bình đã tạo được dấu ấn tích cực. Vừa qua, trung tâm đã tổ chức buổi lễ trao chứng chỉ quốc tế của Đại học Cambridge cho 35 học viên của trung tâm vượt qua được kỳ thi tổ chức tại TP.Đà Nẵng ở các cấp độ Starters, Movers và KET (chứng chỉ A2 quốc tế). Giờ đây, tất cả học viên trong trung tâm đều có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài một cách lưu loát và thành thạo. Chị Phan Thu Nguyệt (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) cho biết: “Hiện tại gia đình đang cho con gái theo học tại trung tâm và rất hài lòng bởi nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của con. Gia đình dự định sẽ cho cháu tiếp tục gắn bó lâu dài với trung tâm để bổ sung đầy đủ các kỹ năng ngoại ngữ làm hành trang tiếp cận với cuộc sống”. Nói về hoạch định trong tương lai gần, điều mà hai vợ chồng Việt luôn trăn trở chính là xây dựng quỹ học bổng để giúp trẻ em nghèo tham gia học tiếng Anh ở các chương trình quốc tế chuẩn châu Âu để học sinh có đam mê với ngoại ngữ ở vùng đất Thăng Bình không phải chịu thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa.


QUỐC TUẤN
Bài dự thi “Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo” năm 2017

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp với trung tâm tiếng Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO