Chia sẻ kiến thức với doanh nghiệp khởi nghiệp

TRỊNH DŨNG 22/11/2022 08:09

“Trao truyền kiến thức” về chiến lược kinh doanh, tìm vốn là một trong những mục tiêu hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp của chính quyền và cơ quan quản lý địa phương.

Lớp tấp huấn chia sẻ kiến thức cho những nhà khởi nghiệp. Ảnh: T.D
Lớp tấp huấn chia sẻ kiến thức cho những nhà khởi nghiệp. Ảnh: T.D

Hơn 60 doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam vừa tham dự khóa tập huấn “Chương trình đào tạo cách thức xây dựng chiến lược, kêu gọi đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Quảng Nam phối hợp Trường Doanh nhân TOP OLYMPIA tổ chức trong 2 ngày tại Tam Kỳ.

Phổ cập kiến thức

Trong môi trường kinh doanh, hợp tác đầy biến động hiện nay, không nắm vững chiến lược kinh doanh, gọi vốn hay thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp thì khó có thể thành công. Không còn thời kinh doanh, lập nghiệp chỉ dựa vào kinh nghiệm mà cần đến kiến thức.

Trong chương trình tập huấn, các doanh nghiệp khởi nghiệp được trao truyền kiến thức về xây dựng chiến lược, kỹ năng mở rộng thị trường đến cách gọi vốn. Các nhà khởi nghiệp không chỉ cần biết về kỹ năng bán hàng, thấu hiểu tâm lý, hành vi tiêu dùng, quy trình bán hàng... đến quản trị maketting, phân tích cơ hội, đối thủ cạnh tranh, chiến lược sản phẩm, dịch vụ, giá sản phẩm và chiến lược phân phối marketting trong môi trường số.

Các nhà khởi nghiệp cũng cần biết, hiểu cách thức xây dựng, tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược kêu gọi đầu tư. Điều quan trọng là việc kêu gọi vốn đầu tư khi nào, ở đâu, như thế vào, thông qua các hình thức gì, xây dựng kế hoạch và mô hình kinh doanh ra sao...

Các nhà khởi nghiệp đều có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về kinh doanh hay tìm vốn trên mạng. Nhưng áp dụng vào thực tế doanh nghiệp không phải dễ dàng. Nếu dễ thu nhận kiến thức như vậy thì cần gì các buổi tập huấn hay mở các trường kinh tế và ai cũng sẽ thành công.

Thực tế không phải vậy. Khởi nghiệp luôn là hành trình đầy khó khăn, bất trắc, chỉ có lòng dũng cảm, cộng với kiến thức mới có thể thành công. Sản xuất, kinh doanh hay điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh “nhà nhà khởi nghiệp”, cạnh tranh khốc liệt không dựa vào kinh nghiệm mà phải cần đến tri thức luôn được cập nhật thường xuyên.

Theo phân tích, môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Nhưng nhiều lắm chỉ 50% doanh nghiệp khởi nghiệp “sống” được. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đa số nhỏ, siêu nhỏ, tiềm lực yếu, thiếu khả năng thích ứng thay đổi thị trường.

Quá ít doanh nghiệp đủ mạnh, cạnh tranh ngang ngửa trên thương trường. Ghi nhận của Sở KH&ĐT cho thấy, những nhà khởi nghiệp không thiếu khát vọng, nhưng cái thiếu của họ chính là vốn, thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Huê – Phó Tổng Giám đốc Trường Doanh nhân TOP OLYMPIA nói những kiến thức, nhận định về cơ hội, thời cơ kinh doanh… sẽ giúp các chủ doanh nghiệp hiểu họ cần gì.

Điều quan trọng hơn là họ sẽ biết cách vượt qua sự sợ hãi, chọn cho mình hướng đi trên nền tảng tri thức quản trị, nhận ra và hiểu được điểm yếu của việc thiếu một chiến lược hay hành động trong quản lý nhân sự, xây dựng sản phẩm, thương hiệu, tìm kiếm nguồn tài chính…

Tự chọn con đường

Khởi nghiệp không còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khởi nghiệp dễ hơn nhiều so với công sức và chi phí đầu tư cần bỏ ra để vận hành hoạt động của nó sao cho thực sự ổn định và hiệu quả. Số cơ sở khởi nghiệp rơi rụng đến gần 70% sau vài ba năm khởi sự đã được ghi nhận trên thực tế tại địa phương.

Việc gọi vốn khởi nghiệp thành công luôn cần một kế hoạch cụ thể, vạch rõ nhu cầu gọi vốn, kế hoạch dùng vốn, gặp nhà đầu tư, thương thảo, và rất nhiều quy trình phức tạp khác. Không có chuyện startup cần tiền là nhà đầu tư sẽ cho tiền. Họ cần các nhà khởi nghiệp có kỹ năng quản trị, có tương lai thì mới có thể đầu tư từ các kênh cộng đồng, ngân hàng, các quỹ phát triển doanh nghiệp hay các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng nói năng lực quản trị, cạnh tranh yếu, thiếu định hướng kinh doanh sẽ đặt doanh nghiệp trước những rủi ro khó lường. Sẽ rất dễ bị tổn thương, dễ bị phá sản. Thành lập dễ nhưng dưỡng nuôi, vận hành doanh nghiệp ổn định, hiệu quả là điều không dễ dàng gì.

Các khóa học không thể cung cấp hết các kiến thức quản trị doanh nghiệp, nhưng sẽ tạo cơ sở cho các nhà khởi nghiệp tự nghiên cứu, chọn lựa cách tiếp cận thị trường, khách hàng theo quan điểm của mình. Các lý thuyết kinh doanh hay gọi vốn chỉ là sự khởi đầu.

TS.Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia nói, các nhà khởi nghiệp không cần phải lo ngại gì, quan trọng nhất là phải tiếp cận bằng năng lực của chính địa phương. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã phải mất hàng chục năm để học, áp dụng tri thức phương Tây vào sản xuất mới có được thành công như hiện tại. Con đường chúng ta đi không có gì là muộn và tất nhiên không có gì sớm cả. Một khi đã chọn con đường này, trước tiên phải nhìn nhận được mình đang ở đâu, đứng ở vị trí nào. Khi đó sẽ biết để tìm kiếm những người, quốc gia có năng lực cao hơn để học hỏi.

Theo ông Hòa, Chính phủ đã xác định sự phát triển của doanh nghiệp là xương sống nền kinh tế nên đã có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, từ chuyện cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn đến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn.

Điều quan trọng của khởi nghiệp của một doanh nghiệp hay một con người là một hành trình chứ không phải là phong trào. Tồn tại lớn đối với doanh nghiệp địa phương hiện nay nằm ở cả hai khâu: khởi nghiệp và dưỡng nghiệp.

Những doanh nghiệp trụ lại được trên thị trường 5 năm và tiếp tục phát triển thì mới gọi là khởi nghiệp thành công. Không thể khởi nghiệp theo phong trào, mà phải thật sự sáng tạo, tìm ra lĩnh vực phù hợp nhất cho mình. Nhìn nhận ra năng lực mình ở đâu, đứng ở vị trí nào thì có thể đưa ra những lựa chọn thích hợp trên cơ sở tri thức.

Bà Trương Thị Yến Ngọc – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư & hỗ trợ khởi nghiệp cho hay hàng năm UBND tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua tập huấn, đào tạo các lớp khởi sự và quản trị, quản trị chuyên sâu. Chương trình đào tạo giám đốc doanh nghiệp sẽ mở hàng năm theo cơ chế chỉ tiêu và chi tiêu hàng năm, từ ngân sách hỗ trợ 50% học phí cho các doanh nghiệp có nhu cầu (riêng lớp tập huấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ 100%).

“Những người khởi nghiệp cần được trao truyền kinh nghiệm, được hỗ trợ, được sống trong cộng đồng những người khởi nghiệp thực thụ. Chỉ mong đừng khởi nghiệp theo phong trào, mà phải thật sự sáng tạo, thường xuyên cập nhật kiến thức, tìm ra lĩnh vực phù hợp nhất cho mình” – bà Ngọc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ kiến thức với doanh nghiệp khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO