Chuyện chàng trai 9x nuôi thỏ khởi nghiệp

NGUYỄN QUỲNH 19/05/2022 16:51

(QNO) - Với khát vọng làm giàu trên quê hương, anh Phạm Tấn Thương (25 tuổi, thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, Phú Ninh) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, thả nuôi giống thỏ Newzealand. Mô hình của anh hiện cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thương kiểm tra sự phát triển của đàn thỏ. Ảnh: N.Q
Anh Thương chăm sóc đàn thỏ. Ảnh: N.Q

Trại thỏ khép kín khoảng 350m², được anh Thương đầu tư xây dựng bài bản, mái che bằng tôn, xung quanh xây tường gạch, bên trong trại anh nuôi nhốt hơn 1.000 con thỏ lớn nhỏ. Anh tự thiết kế, lắp đặt máng ăn, máng uống cho mỗi ô lồng nuôi thỏ một cách khoa học.

Anh Thương kể, năm 2016 sau khi tốt nghiệp THPT, anh làm việc tại một công ty may ở TP.Tam Kỳ với mức thu nhập tương đối ổn định. Tình cờ thời gian này, anh được một đồng nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi thỏ Newzealand ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) với chi phí đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy mô hình nuôi thỏ có triển vọng, anh mua một cặp thỏ giống Newzealand về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, anh dự định nuôi thỏ để làm cảnh, nhưng nuôi rồi thấy thỏ nhanh lớn, đẻ nhiều, nên anh đặt mua thêm 10 cặp thỏ giống về tiếp tục nuôi với mong muốn phát triển đàn.

“Tôi nghĩ nghề nuôi thỏ có khả năng làm giàu, ít dịch bệnh, dễ chăm sóc, phù hợp khí hậu ở địa phương… Vì vậy năm 2019, tôi nghỉ việc ở công ty, đến các trang trại nuôi thỏ để học tập, đồng thời nghiên cứu thêm qua sách báo, mạng về quy trình nuôi thỏ để chuẩn bị cho hành trình khởi nghiệp” – anh Thương chia sẻ.

Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm nên đàn thỏ bị bệnh chết, chỉ còn lại vài cặp. Nhưng không nản lòng, anh tiếp tục vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đến nay đàn thỏ của anh lên hơn 1.000 con thỏ thương phẩm, bố mẹ và thỏ giống.

Thỏ con cân nặng khoảng 1,8k trở lên có thể xuất bán giống hoặc thương phẩm. Ảnh: N.Q
Thỏ con cân nặng khoảng 1,8kg trở lên có thể xuất bán giống hoặc thương phẩm. Ảnh: N.Q

Lấy ngắn nuôi dài, mỗi tháng anh Thương xuất bán ra thị trường khoảng 3 tạ thịt thỏ và 100 cặp thỏ giống, giá thịt thỏ dao động từ 90 - 110 ngàn đồng/kg, thỏ giống 200 ngàn đồng/cặp, sau khi trừ đi các chi phí anh thu về khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, phân thỏ cũng được anh tận dụng để bán cho các trại nuôi trùn quế, tăng thêm nguồn thu.

Theo anh Thương, giống thỏ Newzealand phát triển rất nhanh, bình quân mỗi năm đẻ khoảng 6 - 7 lứa, mỗi lứa tầm 8 - 10 con. Để thỏ phát triển tốt, anh phân loại thỏ thương phẩm, thỏ giống để nuôi nhốt riêng trong từng ô lồng khác nhau. “Nuôi tách ra như vậy thỏ sẽ không cắn nhau, dễ vỗ béo, thỏ giống đẹp mã, dễ bán ra thị trường” - anh Thương nói.

Thỏ được phân loại và nuôi nhốt trong những ô lồng khác nhau. Ảnh: N.Q
Thỏ được phân loại và nuôi nhốt trong riêng. Ảnh: N.Q

Lồng nuôi thỏ cũng khá đơn giản có thể làm bằng tre, gỗ, sắt, song phải thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của chúng để kịp thời phòng chống các dịch bệnh, nhất là bệnh tụ huyết trùng, ecoli….

Mỗi ô lồng nuôi thỏ đều có gắn thẻ số ngày để tiện theo dõi, chăm sóc. Ảnh: N.Q
Mỗi ô lồng nuôi nhốt thỏ mẹ đều được gắn số ngày phối giống. Ảnh: N.Q

Thức ăn cho thỏ chủ yếu là bột cám tinh và các loại rau, củ quả, cỏ sả... Để tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo thịt thỏ thơm ngon, cùng với mua thức ăn công nghiệp, anh Thương còn tận dụng đất bỏ hoang trong vườn để trồng chuối, cỏ sả để làm nguồn thức ăn cho thỏ.

Cạnh đó, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh đã chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, quán nhậu ở … tại Phú Ninh, Tam Kỳ và cung cấp thỏ giống cho các vùng lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai. Thời gian tới, anh Thương dự định sẽ liên kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ có ý định nuôi thỏ giống từ trang trại của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện chàng trai 9x nuôi thỏ khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO