Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.Đà Nẵng đang phát triển rất tích cực, song để sớm hình thành Trung tâm khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng cần bước đột phá mới.
Thời gian qua, UBND thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 18 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KNST) với kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng; hỗ trợ 46 doanh nghiệp theo chính sách đổi mới công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ với kinh phí 5,1 tỷ đồng.
Đồng thời hỗ trợ các trường đại học, doanh nghiệp hình thành được 1 Trung tâm hỗ trợ KNST thành phố, 2 trung tâm KN các trường đại học, 4 không gian sáng tạo và 9 vườn ươm cho 6 - 8 dự án/năm.
Đến nay, phát triển được 163 dự án KNST; thành lập 61 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phát triển gọi vốn hàng triệu USD như Datbike, Selly, Hekate… Các sản phẩm của doanh nghiệp KNST đã bước đầu thương mại hóa, tiếp cận thị trường.
Hệ sinh thái KNST Đà Nẵng có đủ thành tố chính “3N” (nhà nước - nhà trường, viện nghiên cứu - nhà doanh nghiệp) tham gia tích cực vào hệ sinh thái nhưng chưa có các tập đoàn lớn tham gia, hỗ trợ và đầu tư KNST; mới có 2 trung tâm KNST tổ chức kết nối, đào tạo, chưa có nhiều doanh nghiệp hình thành từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường.
Nghị quyết 43 -NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về KNST. Đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh và là trung tâm KNST.
Theo ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, để tạo đột phá trong phát triển hệ sinh thái KNST, Đà Nẵng vừa đề xuất HĐND thành phố về 3 nội dung trọng tâm. Đó là đầu tư, xây dựng tòa nhà, khu làm việc và đào tạo KN của Đà Nẵng.
Thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động vay vốn cho các dự án KNST trên địa bàn. Xây dựng và triển khai đề án thành phố đổi mới sáng tạo, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Quan điểm chung là hạ tầng phải đi trước, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) - viễn thông phải sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện Đà Nẵng đang đầu tư và thu hút đầu tư lớn vào 9 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT. Trong đó, có Khu CNTT Đà Nẵng giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, Hòa vang) và Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng.
Khu Công viên phần mềm số 2 được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020, tổng diện tích xây dựng là 28.573m2, tổng mức đầu tư hơn 986 tỷ đồng. Dự kiến, hoàn thành toàn bộ gói thầu trong năm 2023 và đưa vào khai thác, hình thành một không gian đổi mới sáng tạo với tổng diện tích hơn 21.000m2.
Đây là nơi sẽ giải quyết bố trí địa điểm sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp CNTT - truyền thông, doanh nghiệp KNST, đáp ứng 6.000 vị trí việc làm CNTT, công nghệ số, hình thành Trung tâm Hỗ trợ KNST quốc gia tại Đà Nẵng như mục tiêu đề ra.