Khởi nghiệp Hội An chờ "làn gió mới"

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 11/02/2022 08:11

Khởi nghiệp Hội An lâu nay có “lượng” và “chất” vào loại tốt nhất trên địa bàn tỉnh. Dù vậy cộng đồng khởi nghiệp nơi đây vẫn cần thêm những chất xúc tác để vun khát vọng đưa Hội An trở thành đô thị sáng tạo.

Một điểm đến được thiết kế, xây dựng trên nền tảng vật liệu tái chế bên sông Đế Võng (Hội An). Ảnh: T.L
Một điểm đến được thiết kế, xây dựng trên nền tảng vật liệu tái chế bên sông Đế Võng (Hội An). Ảnh: T.L

“Cái nôi” khởi nghiệp Quảng Nam

Quảng Nam là vùng đất gắn liền với nhiều dấu ấn đổi mới. Nhắc đến mở cửa, đổi mới ở Quảng Nam thì phải đề cập đến Hội An. Từ mấy trăm năm trước, tư duy đổi mới, sáng tạo đã giúp cảng thị cuối sông, đầu biển này thiết lập tên tuổi trên bản đồ giao thương thế giới.

Trong quá trình phát triển du lịch Quảng Nam, những “cánh chim” tiên phong khởi nghiệp cũng xuất hiện ở Hội An. Từ con trâu, lồng đèn, áo dài đến cây tre… đều được những người trẻ ở Hội An nâng tầm, tạo ra giá trị gia tăng rất lớn cho sản phẩm.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đề xuất, trong năm 2022 lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cơ chế chính sách khởi nghiệp sáng tạo về kinh tế tuần hoàn, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế hợp tác công tư cũng như tranh thủ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp từ các tập đoàn lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, không nơi nào trên địa bàn tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp như tại Hội An.

Khởi nghiệp cùng du lịch từ lâu là lợi thế của Hội An và các bạn trẻ cần sáng tạo, mạnh dạn hơn nữa mở rộng các lĩnh vực khởi nghiệp khác để không chỉ phát triển lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa - thiên nhiên vùng đất này.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, việc lãnh đạo tỉnh dành sự quan tâm lớn đến cộng đồng khởi nghiệp ở Hội An là điều đáng quý, bởi có thể xem đây là nhóm doanh nghiệp “yếu thế” khi mới chập chững bước vào thị trường.

“Đến một lúc nào đó, kể cả các doanh nghiệp đã phát triển mạnh tại Hội An rồi cũng phải khởi nghiệp - sáng tạo lại để phát triển, đi vào chiều sâu. Dư địa hệ sinh thái về trồng trọt - thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ… của địa phương vẫn còn rất rộng mở để khởi nghiệp nhằm khai thác bổ trợ cho kinh tế du lịch” - ông Thanh nói.

Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An cho biết, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương bền vững và lâu dài thì tầm nhìn của hội là khởi nghiệp, phát triển sản phẩm trên mọi lĩnh vực. Định hướng xây dựng sản phẩm dựa trên nền tảng văn hóa - sinh thái, tái chế - sáng tạo, giáo dục cộng đồng và du khách tạo ra không gian xanh bền vững cho môi trường di sản.

Các sản phẩm từ tre của một đơn vị khởi nghiệp ở Hội An được du khách yêu thích. Ảnh: T.L
Các sản phẩm từ tre của một đơn vị khởi nghiệp ở Hội An được du khách yêu thích. Ảnh: T.L

Cần thêm chất xúc tác

Hiện cộng đồng khởi nghiệp ở Hội An có số lượng lớn, nhưng thành viên chính thức của Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An mới chỉ có 30 hội viên. Trong đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch - thương mại chiếm gần 50%, còn lại là tiểu thủ công nghiệp, OCOP và nông nghiệp. Điều này đặt ra dấu hỏi về sự gắn kết, tính kết nối để gia tăng sức mạnh cho cộng đồng, sản phẩm khởi nghiệp địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, thương hiệu của Hội An rất lớn, nhưng cộng đồng khởi nghiệp địa phương hầu như vẫn chưa thể khai thác được nhiều từ hình ảnh, giá trị của thương hiệu này.

“Trong khởi nghiệp, điều cần tránh là sao chép nhau. Tại Hội An từng xuất hiện tình trạng sao chép tràn lan khi nhận thấy một người sáng tạo ra được sản phẩm lồng đèn hay kiểu may đo mới được du khách đón nhận” - ông Sơn cho hay.

Vốn đầu tư cũng là vấn đề trăn trở qua hai năm mòn mỏi vật lộn với đại dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Mẫn Vy - chủ dự án khởi nghiệp mỹ phẩm handmade Hoa Mẫn Vy chia sẻ: “Do xoay xở, chuyển hướng phương thức kinh doanh mới để thích ứng với dịch bệnh nên đơn vị đã cạn kiệt về vốn, rất cần thêm những chính sách hỗ trợ về vốn vay để tiếp tục khởi nghiệp lại”.

Còn ông Lê Văn Lương (đại diện một đơn vị khởi nghiệp về sản phẩm cà phê) bộc bạch, khởi nghiệp thì phải chấp nhận có nợ, nợ là động lực để chúng tôi vươn lên. Nhưng nguồn vay ở kênh ngân hàng cũng đã hết giới hạn nên rất cần thêm những kênh mới hỗ trợ vay vốn dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo ông Lê Ngọc Thuận, ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của người trẻ Hội An không thiếu, ví như một công viên trưng bày sản phẩm tái chế từ rác thải dọc ven sông Cổ Cò. Nhưng hiện tại cộng đồng khởi nghiệp thành phố thiếu một không gian lớn để hội tụ sản phẩm khởi nghiệp, làm điểm nhấn để kéo khách đến vừa giúp tạo đầu ra bền vững cho nhiều sản phẩm khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp Hội An chờ "làn gió mới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO