Khởi nghiệp với mô hình rau thủy canh

DUY THÁI 05/01/2022 10:41

(QNO) - Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, anh Võ Trọng Nghĩa (SN 1982, thôn Thạch Thượng, xã Quế Phong, Quế Sơn) trở về quê lập nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính. Đây là mô hình mới ở Quế Sơn và bước đầu đem lại hiệu quả khả quan.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính của anh Võ Trọng Nghĩa cho hiệu quả kinh tế khả quan. ảnh Duy Thái
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính của anh Võ Trọng Nghĩa. Ảnh: DUY THÁI

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng rau thủy canh trong nhà kính, tháng 6.2021 anh Võ Trọng Nghĩa bắt đầu thử nghiệm mô hình trên diện tích 60m2. Anh mua vật liệu về tự lắp đặt nhà kính, hệ thống thủy canh và trồng các loại rau như xà lách, cải cay, cải ngọt, cải thìa, dưa leo… Sau khoảng 35 ngày chăm sóc, anh thu hoạch lứa rau đầu tiên được gần 200kg. Chưa đầy 1 ngày đăng thông tin bán rau trên mạng xã hội, anh bán hết số rau này và thu về hơn 10 triệu đồng.

Bước đầu thấy hiệu quả kinh tế khả quan, anh Nghĩa quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng mở rộng diện tích trồng rau thủy canh lên 500m2. Anh Nghĩa chia sẻ: “Ở vùng đất khô cằn như Quế Phong, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính có rất nhiều ưu điểm, nhất là tránh được thời tiết bất lợi như hạn hán, mưa lụt. Nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rau cũng tốn rất ít nhờ hệ thống tuần hoàn. Sâu bệnh cũng được hạn chế đáng kể”.

Nhờ chú trọng khâu chọn giống, điều hòa dung dịch dinh dưỡng và xây dựng được lồng kính với hệ thống tự động hóa nên trại rau của anh Nghĩa phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Vụ rau mới đây anh thu hoạch hơn 1 tấn. Sản phẩm được bán trên các kênh online và cung cấp cho 2 cửa hàng thực phẩm sạch ở TP.Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn với giá dao động 40 - 60 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ anh thu không dưới 40 triệu đồng.

“Rau rất đảm bảo chất lượng, sạch, ngon, ngọt và giòn, khách hàng đánh giá rất tốt về rau của tôi khi đưa ra thị trường. Hiện tại tôi tích cực phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhãn hiệu, liên kết sản xuất và hướng sản phẩm rau thủy canh đến với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau thủy canh trong nhà kính lên 2.000m2 để nâng cao thu nhập” - anh Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Phong nhìn nhận, đây là mô hình mới ở địa phương, bước đầu rất khả thi. Nếu được các cấp ngành hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng sản xuất và đăng ký được nhãn hiệu OCOP thì sản phẩm rau thủy canh của anh Võ Trọng Nghĩa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp với mô hình rau thủy canh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO