Sức sống của hệ sinh thái khởi nghiệp

VINH ANH 25/06/2022 07:27

Hơn 5 năm bắt tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trải qua 3 mùa Techfest (ngày hội khởi nghiệp), Quảng Nam đã gầy dựng và phát triển cộng đồng khởi nghiệp đủ mạnh về số lượng lẫn chất lượng các dự án/sản phẩm khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trò chuyện bên lề một hội thảo với thanh niên, chủ thể các dự án khởi nghiệp. Ảnh: VINH ANH
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trò chuyện bên lề một hội thảo với thanh niên, chủ thể các dự án khởi nghiệp. Ảnh: VINH ANH

Trong 4 năm (2018 - 2021), Quảng Nam có 105 ý tưởng/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh được công nhận. Số lượng ý tưởng/dự án được công nhận tăng qua từng năm. Điều này phần nào nói lên bước tiến của hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) Quảng Nam trong hơn 5 năm qua.

Đi cùng hệ sinh thái

Là cái tên quá đỗi quen thuộc với cộng đồng khởi nghiệp (KN), “Phở sắn Caromi” là một trong những dự án KN “thế hệ đầu” của HSTKN Quảng Nam. Còn nhớ, lần đầu tiên Quảng Nam “đem quân đi đánh xứ người” về lĩnh vực KN vào năm 2018, Caromi đã góp mặt và xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi tìm kiếm tài năng KN đổi mới sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, để xây dựng HSTKN lâu dài và bền vững, sự cam kết và đồng hành của lãnh đạo tỉnh như là nguồn lực tinh thần, nguồn sinh khí to lớn; việc tạo lập và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần, văn hóa KN như là nền tảng và nguồn lực quyết định. Đồng thời cần triển khai HSTKN đến cấp huyện, xã cùng với thành lập và phát triển hệ thống tổ chức hỗ trợ KN theo hướng xã hội hóa; đề cao vai trò doanh nhân trong hỗ trợ KN; xây dựng cho được đội ngũ giảng viên, cố vấn KN địa phương; vận hành HSTKN mở và hợp tác...

Miệt mài, biền bỉ, Caromi đã vượt qua nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 để gặt hái những thành công.

Chị Lê Thị Kim Ánh, đồng sáng lập Caromi, chia sẻ: “Thành quả lớn nhất của Caromi đến thời điểm này có lẽ là vẫn trụ được sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Qua đó tiếp tục giữ lửa làng nghề phở sắn Đông Phú (Quế Sơn), góp phần nâng cao giá trị nông sản bản địa và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Cạnh đó, chúng tôi đã hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm một cách bài bản và chuẩn hóa theo chuẩn xuất khẩu. Caromi đã đưa sản phẩm của mình đến khách hàng Thái Lan, các chuỗi siêu thị Vinmart, Co.opmart cũng như nhiều cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước”.

Sản phẩm mang lại cảm xúc, ấn tượng không kém nữa là bánh chưng “Bà Ba Hội” (Tam Kỳ). Với tinh thần KN mạnh mẽ cùng sự tiếp sức từ các hoạt động, chính sách KN, sản phẩm bánh chưng xanh mang thương hiệu “Bà Ba Hội” đã có mặt khắp cả nước với kênh tiêu thụ và khách hàng đa dạng.

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, người phát triển thương hiệu này cho biết, đến nay sản phẩm mang thương hiệu “Bà Ba Hội” đảm bảo các tiêu chí, quy định về pháp lý như vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Trong các năm 2019, 2021, thương hiệu “Bà Ba Hội” đều được công nhận ý tưởng/dự án KN sáng tạo cấp tỉnh. Năm 2020, sản phẩm bánh chưng xanh “Bà Ba Hội” được công nhận OCOP 4 sao và năm 2021 trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

“Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn cho sản phẩm tiêu tốn khá nhiều thời gian, kinh phí cho chủ thể. Tuy nhiên đó là điều tất yếu phải làm trong điều kiện nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, làm cho khách hàng tin tưởng, yên tâm sử dụng là đòi hỏi bắt buộc với nhà sản xuất trong thời buổi hiện nay” - bà Thủy chia sẻ.

Không lẻ loi

“Caromi”, “Bà Ba Hội” hay nhiều dự án KN thành công khác đều có cả hành trình phía trước, nhưng họ sẽ không đơn độc mà có thêm nhiều bạn đồng hành. Theo quan sát, số lượng các sự kiện về KN được tổ chức tại Quảng Nam thời gian qua ngày một nhiều và quy mô hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao bằng khen cho 2 cá nhân có dự án khởi nghiệp đoạt giải cấp trung ương năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao bằng khen cho 2 cá nhân có dự án khởi nghiệp đoạt giải cấp trung ương năm 2021.

Chẳng hạn, tại Ngày hội KN Quảng Nam lần 3 năm 2022 thu hút hơn 200 gian hàng trưng bày với hơn 600 sản phẩm KN sáng tạo, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Sự kiện này còn thu hút sản phẩm KN của 9 tỉnh thành tham gia cùng sự đồng hành của các tổ chức hỗ trợ KN hàng đầu trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Bão Quốc - Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp và đào tạo BQ cho rằng, Quảng Nam từng bước khẳng định thương hiệu KN qua các hoạt động Techfest. Ngày hội với sản phẩm đa dạng cùng nhiều hoạt động bên lề được tổ chức chuyên nghiệp.

“Hoạt động Techfest thực sự rất cần trong HSTKN. Đây là kênh giúp doanh nghiệp KN kết nối, giao lưu, chia sẻ và cũng là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm KN đến du khách. Techfest cũng là hoạt động đẩy mạnh tinh thần doanh nhân KN” - ông Quốc nói.

Chị Lê Thị Kim Ánh, đồng sáng lập Caromi cho hay: “Từng bước đi của Caromi luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, sự chia sẻ từ cộng đồng KN.

Chẳng hạn qua những sự kiện như Techfest Quảng Nam, Caromi đã tham khảo và học hỏi được từ cộng đồng KN cách thức quảng bá sản phẩm, mở rộng đại lý, xây dựng thương hiệu cá nhân cũng như thương hiệu doanh nghiệp; học được từ các chuyên gia đào tạo về cách thức vận hành doanh nghiệp, phát triển sản phẩm…

Tại đây chúng tôi được kết nối và lan tỏa tinh thần KN đầy say mê, nhiệt huyết. Thật sự thì học được rất nhiều thứ, nhận được rất nhiều thứ mà trên hết là cảm thấy mình không lẻ loi trên con đường KN”.

Nâng tầm doanh nghiệp

Ông Nguyễn Bão Quốc cho rằng các hoạt động KN Quảng Nam tuy làm rất tốt trong thời gian qua nhưng mới dừng lại ở tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi sự kinh doanh.

Để hình thành được một HSTKN thực sự bền vững, các dự án KN, doanh nghiệp KN và KN đổi mới sáng tạo cần đi vào thực chất hơn trong việc nghiên cứu sâu, tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị nhiều hơn với khách hàng.

Các doanh nghiệp KN nhanh chóng thoát khỏi giai đoạn KN bằng cách hoàn thiện hệ thống vận hành, hệ thống quy trình, đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho giai đoạn tăng tốc và hình thành doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn KN tỉnh nhìn nhận, đa số cộng đồng KN Quảng Nam hiện mang bóng dáng khởi sự kinh doanh, chưa phải KN. Hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm còn thấp.

Dễ thấy, các dự án KN vẫn dừng ở quy mô hộ gia đình, chủ thể KN “vừa là ông chủ vừa là nhân viên”, thị trường vẫn quanh quẩn trong tỉnh, thậm chí trong huyện, chưa vươn ra tầm quốc gia, quốc tế…

“Muốn đánh giá một HSTKN hàng đầu, cần phải xem xét hệ sinh thái đó có bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu nhà KN mang tầm quốc gia, quốc tế. Quảng Nam muốn khẳng định thương hiệu và định vị KN thì cần hỗ trợ phát triển nên các doanh nghiệp tầm cỡ với doanh thu hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò dẫn dắt hệ sinh thái” - ông Dũng nói.

Theo các chuyên gia, Quảng Nam hiện là một trong những địa phương có nhiều chính sách hữu trí hỗ trợ cho phát triển KN nhưng doanh nghiệp KN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận. Ngoài thủ tục rườm rà, cần phải nói đến tư duy, nhận thức trong vấn đề hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ thêm: “Nói hỗ trợ nhưng thực tế lại mang bóng dáng cơ chế xin - cho. Còn đúng nghĩa của hỗ trợ thì phải ở vai trò người phục vụ. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, để cơ chế chính sách thực sự là cú hích, giúp doanh nghiệp bứt phá thì xu hướng cần giảm hỗ trợ bằng tiền mà hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách như nâng cao kiến thức qua đào tạo, tập huấn, phát triển thị trường, kết nối chuỗi...”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức sống của hệ sinh thái khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO