Khơi nguồn cứu trợ xã hội

ĐĂNG QUANG 26/10/2020 06:17

Đến sáng hôm qua 25.10, trên trang Facebook cá nhân của ca sĩ Thủy Tiên thông báo có 150 tỷ đồng góp cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Thật đáng mừng và đáng ngưỡng mộ!

Từ câu chuyện của Thủy Tiên, dư luận xới xáo lên sự bất hợp lý của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008 “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Theo nghị định này, cá nhân sẽ gặp rủi ro về pháp lý khi huy động nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ cho các đối tượng vừa nêu, làm bế tắc dòng chảy của tinh thần thiện nguyện. Rất may, lắng nghe các kênh phản biện, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/ NĐ-CP, để kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Rõ ràng, một khi hoạn nạn, thiên tai bão lũ đã làm mất đi nhiều tính mạng và của cải thì càng phải khơi thông nguồn lực cả xã hội chung tay chia sẻ. Không một nhà nước nào đã, đang và sẽ đủ nguồn lực quán xuyến mọi vấn đề, đáp ứng mọi nhu cầu, “bao cấp” mọi người dân. Chính tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa đồng bào, tấm lòng “mình vì mọi người” đã tạo nên giá trị và sức mạnh to lớn giúp cho người Việt vượt qua bao đau thương mất mát.

Khi nguồn lực cứu trợ xã hội được khơi thông mạnh mẽ, đã sáng lên bao hình ảnh cảm động. Về cứu hộ, lần đầu tiên thấy nhiều người đưa thuyền, ca nô vượt quãng đường xa đến giúp những người dân miền Trung bị mắc kẹt trong lũ lụt. Rồi cứu trợ, có những mẹ già, em bé chắt chiu đồng bạc tiết kiệm ít ỏi trong “heo đất” góp với chương trình thiện nguyện. Nhiều doanh nghiệp đã thắt lưng buộc bụng vì đại dịch Covid-19, nay lại tiếp tục mở hầu bao hỗ trợ đồng bào.

Vô số nhóm thiện nguyện đứng ra kêu gọi mọi người góp nguyên liệu gói bánh, nấu xôi, làm thực phẩm cứu đói chuyển đến cho người vùng lũ. Nhiều hàng quán, hãng xe tư miễn phí cho các đoàn tình nguyện. Hàng đoàn xe nườm nợp ra vào miền Trung, tiền hàng dồi dào. Và đặc biệt thông qua báo chí và mạng xã hội, đầy ngập thông tin chia sẻ cách thức cứu trợ, giúp đỡ, tư vấn về việc cần lo sinh kế trước mắt và lâu dài cho người dân…

Huy động nguồn lực thiện nguyện cứu trợ đồng bào là tốt rồi, nhưng phải thấy rằng, tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi được tiền hàng nhưng không phối hợp với chính quyền địa phương thì kênh phân phối sẽ ách tắc, khó đều khắp và đến đúng đối tượng. Vậy nên, nhiều đoàn xe cứu trợ chỉ đến được các vùng dễ tiếp cận, phát hàng nhanh rồi rút, nên chỗ ăn không hết, chỗ lại không có gì, khiến nảy sinh nỗi cám cảnh, sự so bì thiệt hơn trong nội bộ cộng đồng người dân vùng lũ.

Mặt khác, rải rác có các đoàn cứu trợ đòi hỏi riết róng cán bộ địa phương phải tổ chức đưa hàng đến vùng sâu vùng xa, trong khi phương tiện không có hoặc không kịp điều phối. Tiếng chì tiếng bấc nổi lên chê trách cán bộ thôn xã, trong khi họ cũng là người quần quật lo cứu hộ, cứu trợ, và chính gia đình họ cũng thiệt hại mà e ngại dự phần nhận sự giúp đỡ, động viên. Vì vậy, phương châm Nhà nước và xã hội, nhân dân cùng làm, cùng thực thi việc cứu trợ sẽ là chuyện cần phải tính toán cho hợp lý, hài hòa.

Cơn bão số 8 và trận lụt lịch sử ở miền Trung vừa đi qua, nhưng lại nghe tin bão gần bão xa tiếp tục ập đến. Phòng bị cho công tác cứu hộ, cứu nạn và sau đó là các phương án cứu trợ cần phải gấp rút nhìn lại để có kinh nghiệm ứng phó kịp thời, chủ động hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi nguồn cứu trợ xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO