Khơi nguồn đầu tư đường huyện - Bài 2: Khắc phục điểm yếu

TRẦN CÔNG TÚ 04/10/2019 11:42

Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND (Đề án 134) làm “lột xác” hàng loạt tuyến đường huyện (ĐH), mang lại hiệu quả không ngờ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và sau khi đưa vào khai thác cũng đã bộc lộ những bất cập, cần được khắc phục để nhiều tuyến đường ĐH tiếp tục được đầu tư thông suốt.

Tuyến đường ĐH1.BTM qua trung tâm xã Trà Đông (Bắc Trà My) được kiên cố hóa khang trang. Ảnh: CÔNG TÚ
Tuyến đường ĐH1.BTM qua trung tâm xã Trà Đông (Bắc Trà My) được kiên cố hóa khang trang. Ảnh: CÔNG TÚ

Người dân hưởng ứng

Cứ vào đầu mỗi sáng, ông Bùi Văn Liên (trú tổ đoàn kết số 2, thôn Định Yên, xã Trà Đông, Bắc Trà My) lại hăm hở cầm chổi ra dọn vệ sinh trên đoạn đường chạy qua trước cổng nhà. “Trước đây, mặt đường nhỏ và hư hỏng nặng lắm, muốn quét rác cũng không được. Nhưng bây giờ, nó được đổ bê tông xi măng kiên cố, rộng phẳng và có rãnh thoát nước dọc hẳn hoi” - ông Liên phấn khởi nói.

Cung đường vừa đề cập chính là ĐH1.BTM, được huyện Bắc Trà My thực hiện theo Đề án 134. Khát khao “lột xác” cho tuyến ĐH này, nhân dân đã đồng lòng hiến đất, cây cối, vật kiến trúc bị ảnh hưởng. Dù hiến gần 100m2 đất, hộ Bùi Văn Liên không vì thế mà e dè bởi ông tâm niệm muốn đường sá thênh thang thì phải hy sinh quyền lợi nhỏ cho việc lớn. Nay, cư dân Định Yên toại nguyện khi có con đường đẹp, con em không phải băng qua “cạm bẫy” của “ổ gà”, “ổ voi”, “sống trâu” chằng chịt đi học hoặc đi làm nữa. Tuyến giao thông ĐH21.TB lồi lõm ngày nào đã được khoác lên một diện mạo tươi sáng, kết nối thông suốt từ quốc lộ 14E vào sâu tận thôn Quý Mỹ của xã Bình Quý (Thăng Bình). Để công trình về đích vào tháng 9.2018, hộ bà Võ Thị Trâm đã tháo dỡ tường rào, hiến gần 40m2 đất. Bây giờ xe chở hàng hóa vào ra làng dễ dàng, giá đất ở tăng cấp số nhân.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) cho rằng, Đề án 134 là một bước đi cụ thể hiện thực hóa chủ trương xây dựng hạ tầng đồng bộ; tác động mạnh mẽ đến “tam nông” và xây dựng nông thôn mới. Đề án giải quyết rất nhanh điểm nghẽn cho giao thông; đặc biệt mang tính kế hoạch hóa (cấp tỉnh) và chủ động (địa phương) cao. Theo đó, cấp huyện đã nắm được tỉnh phân bổ bao nhiêu cây số đường/năm mà chủ động lựa chọn phân bổ đầu tư, không cần phải đi lên tỉnh xin gì cả vì đã công khai minh bạch. Trên cơ sở thiết kế mẫu (Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh ban hành), địa phương cứ thế áp vào, điều chỉnh cho phù hợp. Hàng năm, dựa vào danh mục đầu tư của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và khả năng bố trí nguồn vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện và cấp xã, UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng chủ trì, phối hợp với các xã kiểm tra thực tế. Sau đó, thống nhất tuyến đường, chiều dài đoạn tuyến, lý trình cần đầu tư xây dựng mặt đường và quy mô xây dựng, rồi lập danh mục đầu tư của năm kế tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo tiêu chí, gửi Sở GTVT trước ngày 15.10. Sở GTVT sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục, còn địa phương làm tất tần tật các phần việc còn lại.

Ở Thăng Bình, thực hiện Đề án 134, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy. Ngoài tổ giám sát của chủ đầu tư (UBND cấp xã), ban giám sát cộng đồng tại địa phương được thành lập có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát dưới sự hướng dẫn về mặt kỹ thuật của Tổ công tác xây dựng đường ĐH cấp huyện, mà chủ chốt là Phòng Kinh tế - hạ tầng. Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Thăng Bình - ông Phạm Phú Hòe cho hay, Tổ công tác xây dựng đường ĐH cấp huyện trực tiếp hướng dẫn bằng tờ rơi, cung cấp tài liệu về tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế mẫu của tỉnh cho ban giám sát cộng đồng nắm bắt, triển khai giám sát chất lượng công trình. Họ được huyện bố trí kinh phí hỗ trợ 3,5 triệu đồng/km (năm 2015).      

Vẫn còn những bất cập

Nhìn lại thực tiễn 4 năm triển khai và qua kiểm tra nhiều địa phương mới đây, đại diện Sở GTVT khẳng định, bên cạnh mặt tích cực chiếm phần nhiều, việc triển khai ở cấp huyện còn lúng túng, thiếu nhất quán và sâu sát tình hình. Chẳng hạn, có năm UBND huyện giao cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, năm khác giao lại cho phòng chuyên môn làm chủ đầu tư dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo điều hành. Khi tỉnh giao nguồn vốn về, UBND huyện chậm thông báo đến chủ đầu tư; các văn bản chỉ đạo của tỉnh và của Sở GTVT nhiều lúc không đến được cơ quan chủ đầu tư. Cạnh đó, quyết định lựa chọn danh mục và quy mô đầu tư của địa phương chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, thường đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh nhiều lần. Ví dụ, địa phương đã chọn tuyến ĐH này trình phê duyệt để được phân bổ nguồn lực, nhưng xuất hiện một dự án đầu tư công (dự án riêng lẻ) lại xin chuyển danh mục qua cho tuyến ĐH khác. Vận dụng thiết kế mẫu, nhưng chưa nghiên cứu điều chỉnh theo thực tế thi công cụ thể của công trình dẫn đến thanh toán chưa đúng khối lượng một số hạng mục phụ trợ, bị xuất toán sau khi đã quyết toán.

Một hạn chế khác, đó là một tuyến ĐH nào đó dài 3km cần được kiên cố hóa, nhưng huyện báo cáo danh mục xin hỗ trợ chỉ chừng 2km, còn lại “dành” nguồn lực phân bổ đoạn tuyến ĐH khác trong cùng năm. Do đầu tư chưa thông suốt, tuyến ĐH không thể phát huy hết hiệu quả. Ở khu vực miền núi, chi phí xây dựng tăng cao dẫn đến tăng nguồn đối ứng của địa phương. Ông Võ Công Phúc lý giải, để xây dựng định mức đầu tư hỗ trợ, ngành chọn Phước Sơn đại diện chung cho các huyện vùng núi cao, Đông Giang vùng núi thấp, Thăng Bình đại diện vùng đồng bằng. Đối với Tây Giang, kiên cố hóa một tuyến ĐH nằm ở vùng xa xôi nên chi phí tăng cao, huyện không kham nổi nguồn đối ứng. Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, nhiều tuyến ĐH chưa lường trước được sự phát triển nên quá nhỏ, kết nối chưa tốt. Ở một số nơi, mặt bằng vướng không giải phóng được dẫn đến mặt đường dù kiên cố hóa, song thiếu lề và hệ thống an toàn giao thông. Có trường hợp, ĐH vừa thi công xong thì có công trình khác vào “xới” lên, bởi trùng với các dự án thu hút đầu tư khác trên địa bàn. Về mặt khách quan, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc - ông Phạm Thúy cho biết, do đề án chỉ kiên cố hóa mặt đường, không có đầu tư cầu cống nên nhiều cây cầu trở thành “nút thắt cổ chai”, không thể phát huy hiệu quả tối đa cung đường to đẹp đã mở. Muốn xóa cho đồng bộ và thông suốt, nhất là cây cầu lớn cần thời gian dài với một dự án riêng lẻ.

Những điểm nhấn từ Đề án 134

Theo ông Lê Phương Bình - chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Duy Xuyên, công trình ĐH do “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đưa vào sử dụng, nhiều nơi cộng đồng dân cư lập tức huy động lắp đặt điện chiếu sáng ven đường. Ban đêm, ánh  điện sáng giăng giăng nên an toàn giao thông và an ninh trật tự thêm phần đảm bảo. Ở vùng cao Đông Giang, kể từ ngày tuyến ĐH5.ĐG hoàn thành kiên cố hóa, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi rõ rệt. Theo ông Hôih Bảy - Chủ tịch UBND xã A Rooi, trục xương sống ĐH5.ĐG qua địa bàn xã hoàn thành nâng cấp, mở rộng thuận tiện cho lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo cho đồng bào. Đây còn là điều kiện cơ bản để địa phương tiến tới xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Cái được nữa của Đề án 134 là không tốn kinh phí giải phóng mặt bằng, mà địa phương chịu trách nhiệm vận động người dân. Ông Võ Công Phúc chia sẻ, vì không mất tiền bạc cho công tác giải phóng mặt bằng và áp dụng thiết kế mẫu, nên chi phí đầu tư giảm 20 - 30% so với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác có cùng quy mô nhưng làm theo quy trình thông thường (chi phí bồi thường hỗ trợ, tư vấn thiết kế, giám sát…). Việc phân cấp mạnh (UBND huyện quyết định giao phòng kinh tế và hạ tầng hoặc UBND cấp xã làm chủ đầu tư), không qua phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn, khảo sát thiết kế, phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công… nên tiến độ triển khai rất nhanh. Đơn cử, trên cơ sở danh mục đầu tư ĐH cho năm 2019 của cấp huyện trình lên, Sở GTVT tham mưu phê duyệt vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định để cấp huyện làm xong ngay trong năm, phát huy nhanh hiệu quả.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi nguồn đầu tư đường huyện - Bài 2: Khắc phục điểm yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO