Khơi nguồn đầu tư đường huyện - Bài cuối: Cần duy trì cơ chế hỗ trợ đầu tư

TRẦN CÔNG TÚ 07/10/2019 10:30

Nhiều tuyến đường huyện (ĐH) ngoài danh sách kiên cố hóa theo Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND (còn gọi Đề án 134), chưa kể phát sinh sau này rất cần được tiếp tục đầu tư. Chính vì vậy, duy trì Đề án 134 là nguyện vọng tha thiết của nhân dân.      

Trên địa bàn tỉnh còn số lượng lớn chiều dài bề mặt ĐH hư hỏng, xuống cấp như thế này.Ảnh: C.T
Trên địa bàn tỉnh còn số lượng lớn chiều dài bề mặt ĐH hư hỏng, xuống cấp như thế này.Ảnh: C.T

Triển khai đúng kế hoạch

Đề án 134 tạo nên bước đột phá mới về cải tạo, phát triển hạ tầng đường bộ, góp phần “thay da đổi thịt” cho các vùng quê, kết nối thông suốt với tỉnh lộ (ĐT), quốc lộ (QL). Ngành chức năng cho biết, các địa phương đã thực hiện nhiều nội dung theo quy định của UBND tỉnh; công trình được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu về quy mô, khối lượng, chất lượng và tiết kiệm trong đầu tư. Qua kiểm tra thực tế, ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) đánh giá, rất nhiều huyện làm tốt, điển hình như Duy Xuyên, Bắc Trà My, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Đông Giang… Một số nơi có cách làm linh hoạt, sáng tạo với việc bổ sung lồng ghép các nguồn lực để đầu tư mở rộng thêm quy mô và nhiều hạng mục, nhưng không sai theo quy định. Do “Cơ chế 134” chỉ hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường, việc triển khai đầu tư cầu, cống trên tuyến cấp huyện phải lo. Như ở Thăng Bình, địa phương đã quan tâm bố trí vốn làm những cây cầu nhỏ có giá trị 400 triệu đồng trở xuống để đảm bảo đồng bộ với mặt đường được kiên cố hóa trên tuyến. Hay như Duy Xuyên, nhằm thúc đẩy giải phóng mặt bằng, huyện đôn đốc nếu không làm được hoặc khai thông chậm thì sẽ chuyển qua làm tuyến khác. Tuy nhiên, Duy Xuyên chưa có xã nào rơi vào trường hợp này.

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Bắc Trà My - ông Nguyễn Hữu Sự chia sẻ, Đề án 134 cho mở rộng mặt đường kiên cố hóa chỉ 5,5m. Huyện khảo sát nhận thấy cầu, cống nếu xuống cấp nặng thì làm mới; còn sử dụng được thì nối cống rộng 5,5m trở lên. Theo đơn giá chung tại Đông Giang, chi phí kiên cố hóa mặt đường ĐH là 3,8 tỷ đồng/km, Bắc Trà My thiết kế quy mô 4,5 tỷ đồng dùng làm thêm xử lý nền móng, lề, bố trí rãnh dọc bê tông chỗ đoạn dốc và rãnh đất nơi bằng phẳng... Thành viên tổ giám sát cộng đồng được địa phương bố trí là những người có tay nghề, chẳng hạn như thợ hồ, chứ không phải cử lãnh đạo hội đoàn thể không nắm bắt chuyên môn vào giám sát được. Phòng Kinh tế - hạ tầng Bắc Trà My còn cử cán bộ xuống tận nơi kiểm tra, giám sát công trình nhà thầu đang thi công. Những đoạn ĐH qua trung tâm xã theo quy hoạch nông thôn mới, huyện lồng ghép thực hiện mặt cắt rộng 13,5m và nhiều hạng mục (mặt đường 7,5m, cống, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng…).

Đáng ghi nhận ở các huyện là chi phí dành cho quản lý dự án không có (kể cả ĐH giao cho phòng kinh tế - hạ tầng làm chủ đầu tư), nhưng cán bộ phòng rất tận tâm, tận lực với công việc được giao. Nhiều cán bộ còn thổ lộ, đây là lợi thế khi xuống vận động dân, bởi sẽ chứng minh cho bà con thấy động cơ của bản thân là vì cái chung, không vụ lợi nên rất dễ dàng tìm sự đồng cảm, hợp tác.    

Cần tiếp tục duy trì

Phải quyết toán riêng các dự án          lồng ghép

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, Đề án 134 góp phần làm thay đổi diện mạo của Quảng Nam, phục vụ phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa, nâng cao chất lượng đời sống người dân; phục vụ tốt hơn công tác cứu hộ cứu nạn, đồng thời là điều kiện để hoàn thiện lại quy hoạch giao thông vận tải, sắp xếp dân cư. Sở GTVT đã làm tốt thiết kế mẫu nên giải tỏa được nhiều ách tắc, rút ngắn thời gian đầu tư; ngành tài chính thì có quyết toán mẫu chuẩn.

Trước luồng thông tin cho rằng, một số địa phương lồng ghép nguồn vốn khác để làm đường đôi, mở rộng thêm qua khu vực trung tâm vượt quy mô của đề án là chưa đúng quy định. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, việc này không sai nếu địa phương quyết toán khác nhau, phần lồng ghép khác đề án phải quyết toán riêng đảm bảo như một dự án riêng lẻ.

Khi phê duyệt Đề án 134, toàn tỉnh lúc đó thống kê có 1.992km ĐH. Bây giờ, con số này đã nâng lên khoảng 2.038,7km với 231 tuyến (chiếm khoảng ¼ chiều dài hệ thống đường bộ). Làm xong 320km đúng như đề án, cùng với những dự án đầu tư riêng lẻ khác, số lượng ĐH còn lại bị hư hỏng vẫn rất nhiều. Chính vì vậy, các địa phương đề xuất tỉnh tiếp tục kéo dài đề án vì không chỉ “tiếp sức” về nguồn lực mà chương trình này rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhưng không trái quy định. Ông Nguyễn Hữu Sự đề xuất, tỉnh cần có chương trình kèm theo để làm cầu, cống trên tuyến nhằm tháo “nút thắt cổ chai”, đồng bộ về tải trọng và bề mặt, khai thác hiệu quả hơn mặt đường ĐH đã đầu tư. Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Quảng kiến nghị, cấp trên cần quan tâm đến việc bố trí hạng mục bảo vệ công trình sau thi công. Thực tế ở miền núi, địa hình phức tạp, đồi dốc quanh co nên rất dễ sạt lở ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình ĐH vừa được kiên cố hóa mặt đường. Muốn hạn chế tối đa ảnh hưởng này, chỉ còn cách làm tường chắn, hạng mục thoát nước kiên cố, song với ngân sách huyện miền núi quá hạn hẹp sẽ không kham nổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, không cần đến năm 2020, năm nay tỉnh có thể sơ kết trước việc thực hiện đề án để xem làm được gì, chưa làm được gì mà phát huy hoặc rút kinh nghiệm. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, năm nay tỉnh quyết định phân bổ để làm dứt điểm những đoạn tuyến còn lại, mà lẽ ra phải thực hiện trong năm 2020, đưa đề án giai đoạn 2015 - 2020 về trước 1 năm. Tỉnh đã giao cho Sở GTVT kiểm tra, khảo sát thực tế để tham mưu trình phê duyệt, xin ý kiến tiếp tục triển khai đề án cho giai đoạn tới. Tỉnh cũng đã có chủ trương giao cho Sở GTVT làm đề án đầu tư riêng các cầu trên ĐH. Cạnh đó, những tuyến ĐH nào có điều kiện đảm bảo về mặt phát triển trong tương lai, đảm bảo kỹ thuật thì nâng lên ĐT. Rà soát lại quy hoạch, xem xét tuyến giao thông nông thôn nào đủ tiêu chuẩn sẽ chuyển thành ĐH. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến ĐH vừa đảm bảo tải trọng, hành lanh tuyến, lưu thông an toàn; đồng thời tính đến yếu tố hạ tầng ngầm như cấp nước, thoát nước… Cấp đường thuộc những tuyến ĐH ở trung tâm phải đảm bảo tốt hơn, đáp ứng yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, hành lang tuyến; kể cả chỉnh tuyến, nắn tuyến tạo thuận lợi, an toàn khi đấu nối vào ĐT, QL.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, sẽ cân đối nguồn lực, kiểm soát đầu tư ĐH tốt hơn. Cạnh đó, ưu tiên thực hiện lồng ghép trong xây dựng nông thôn mới, vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vùng động lực. Ở địa bàn miền núi, việc đầu tư hệ thống thoát nước taluy dương, âm để chống sạt lở ĐH, bảo vệ an toàn và đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng sẽ được tính đến. Còn theo lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ hành lang an toàn tuyến đường ĐH nói riêng ngay từ khi vừa đưa vào khai thác. Có như vậy mới tránh tình trạng bị lấn chiếm, tái lấn chiếm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây khó khăn về giải phóng mặt bằng sau này nếu tiếp tục mở rộng hay nâng lên thành ĐT.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi nguồn đầu tư đường huyện - Bài cuối: Cần duy trì cơ chế hỗ trợ đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO